Thứ Ba, Tháng 7 15, 2025
spot_img
HomeCuộc sốngKhông cãi lời nhưng ỷ lại – Kiểu bất hiếu âm thầm...

Không cãi lời nhưng ỷ lại – Kiểu bất hiếu âm thầm khiến cha mẹ kiệt quệ mà nhiều người trẻ không nhận ra


Từ nỗi nhớ con đến nỗi lo “bất hiếu kiểu mới”: Ông bố lên tiếng cảnh tỉnh nhiều bậc cha mẹ

Câu chuyện bắt đầu từ một bài viết của anh Bách Nguyễn – một ca sĩ chuyên nghiệp tại Hà Nội. Trong một buổi sáng đi công tác xa nhà, giữa nỗi nhớ con da diết, anh không chỉ trăn trở vì khoảng cách địa lý mà còn vì một nỗi lo âm ỉ: sự ỷ lại đang lớn dần trong hai đứa con của mình.

“Không phải cứ cãi lời, nổi loạn mới là bất hiếu. Sự ỷ lại – sống thụ động, để cha mẹ lo từ miếng ăn đến tương lai… cũng là một kiểu bất hiếu. Âm thầm, nhưng dai dẳng bào mòn cả thể chất lẫn tinh thần của cha mẹ mỗi ngày,” anh viết đầy day dứt.

Anh chia sẻ, hai con anh từng rất ngoan, chăm chỉ. Nhưng càng lớn, các con càng sa đà vào điện thoại, lười làm việc nhà và dường như quen với việc được phục vụ. Nhìn lại, anh thừa nhận sai lầm xuất phát từ chính cách yêu thương chưa đúng: “Vì sợ con khổ nên làm thay tất cả. Nghĩ ‘chỉ cần con học giỏi’ là đủ, quên mất rằng kỹ năng sống và sự tự lập mới là nền tảng để con trưởng thành. Mỗi lần con đòi, mình lại vội vàng đáp ứng, khiến con quen ngồi chờ.”

Anh chia sẻ, hai con anh từng rất ngoan, chăm chỉ.
Anh chia sẻ, hai con anh từng rất ngoan, chăm chỉ.

Sau những ngày trăn trở, anh quyết định gửi một tin nhắn dài vào nhóm chat gia đình, mong con hiểu được nỗi lòng của cha mẹ:

“Các con đã lớn, đã đến lúc cần tự lập. Không thể cứ nằm dài chơi game hay xem điện thoại cả ngày. Bố mẹ không thể chăm các con cả đời. Nếu cứ ỷ lại, sau này chính các con sẽ khổ.Bố hiện đang rất mệt vì lo cho tương lai của các con. Bố mong các con thay đổi: bớt giải trí, tập trung học, luyện kỹ năng, phụ giúp việc nhà.Bố mẹ luôn sẵn sàng hỗ trợ nếu các con nghiêm túc. Đừng để sự lười biếng hôm nay trở thành gánh nặng của ngày mai.Bố nói không phải để trách, mà vì thương.”

Anh Bách nhấn mạnh rằng bài viết không phải để chỉ trích con cái, mà là lời tự nhắc nhở bản thân – và cũng là một thông điệp gửi đến các bậc cha mẹ. Anh khẳng định: “Tình thương sai cách có thể trở thành gánh nặng. Yêu thương đúng là khi dạy con biết chịu trách nhiệm, biết làm, biết từ chối, và biết chia sẻ – đó mới là nền tảng để con trưởng thành và thật sự biết báo hiếu.”

Xem thêm  Khổ đủ rồi, 3 tuổi thoát kiếp nghèo đón vận giàu sang từ tuổi 45, nửa đời sau Thần tài dẫn lối

Anh cũng chia sẻ 4 nguyên tắc trong việc yêu thương đúng cách:

Để con chịu trách nhiệm với việc mình làm.

Hướng dẫn con tự làm thay vì làm hộ.

Không đáp ứng mọi yêu cầu vô điều kiện.

Dành thời gian lắng nghe và dạy con kỹ năng sống.

Bài đăng của anh nhanh chóng lan tỏa, thu hút hàng nghìn lượt chia sẻ và bình luận. Nhiều người bày tỏ sự đồng cảm sâu sắc, cho rằng chính sự bao bọc quá mức đang khiến một bộ phận trẻ em thiếu kỹ năng sống và tinh thần trách nhiệm, dù bề ngoài vẫn “ngoan ngoãn”.

Những góc nhìn trái chiều về sự ỷ lại – liệu có phải là một kiểu “bất hiếu thời hiện đại”?

Một người dùng mạng xã hội đã để lại bình luận đầy hình ảnh: “Giống như một dạng ký sinh, nếu đời mình chỉ biết sống bám vào cha mẹ, thì rất có thể đời con mình cũng sẽ tiếp tục sống bám vào ông bà. Đó là một kiểu bất hiếu rất tinh vi…”

Bên dưới bài viết, hàng loạt ý kiến chia sẻ trải nghiệm thực tế khiến nhiều người phải giật mình. “Nhiều bạn trẻ bây giờ lúc nào cũng dán mắt vào điện thoại, nhưng hỏi đến những điều cơ bản trong cuộc sống thì lại lúng túng. Có em thậm chí còn không biết mua ổ bánh mì ở đâu,” một phụ huynh chia sẻ.

Bên dưới bài viết, hàng loạt ý kiến chia sẻ trải nghiệm thực tế khiến nhiều người phải giật mình.
Bên dưới bài viết, hàng loạt ý kiến chia sẻ trải nghiệm thực tế khiến nhiều người phải giật mình.

Một ý kiến khác nhấn mạnh: “Cha mẹ nào chẳng thương con. Nhưng nếu cứ làm thay mọi việc thì vô tình lại là đang hại con. Chỉ khi con biết lao động, con mới hiểu được giá trị mồ hôi nước mắt của cha mẹ.”

Đáng chú ý là chia sẻ của tài khoản N.B.H – người đã chạm đến nỗi trăn trở của nhiều gia đình thuộc tầng lớp trung lưu hiện đại:

Xem thêm  Phụ nữ số khổ mở miệng thường hay nói 3 câu này: Đặc biệt là câu thứ 3 nhiều người mắc phải

“Gia đình tôi, cả hai vợ chồng đều làm việc qua điện thoại. Con cái không thấy cảnh vất vả, chỉ nghĩ đơn giản rằng ‘nhấc điện thoại lên là có tiền’. Tôi cố gắng giảng giải, nhưng khi con không tự tay lao động, chúng khó mà thấu hiểu.

Nhìn sang nhà hàng xóm bán phở, cậu con trai trạc tuổi con tôi mà đã biết đứng bếp, dọn dẹp, chạy bàn. Phải chăng, nếu không tận mắt thấy mồ hôi cha mẹ đổ xuống từng bữa ăn, đứa trẻ sẽ mãi không hiểu được giá trị của đồng tiền?

Gia đình tôi không giàu, nhưng cũng không quá thiếu thốn – và chính cái ngưỡng ‘vừa đủ’ ấy khiến việc dạy con trở nên khó gấp bội.”

Tuy nhiên, không ít ý kiến phản biện cho rằng gọi sự ỷ lại là “bất hiếu” có phần quá khắt khe.

Một người dùng bình luận: “Chưa biết tự lập không có nghĩa là bất hiếu. Có những đứa trẻ vẫn rất yêu thương cha mẹ, chỉ là chúng chưa được rèn kỹ năng sống từ nhỏ.”

Ý kiến khác nêu rõ: “Muốn con giỏi giang, tự lập thì phải tập cho con từ sớm. Nếu lúc nhỏ cha mẹ cứ làm thay, đến khi lớn lại trách con không biết lo thân, thì đó là vòng luẩn quẩn do người lớn tạo ra.”

Một phụ huynh khác cũng đặt vấn đề: “Người lớn hay đòi hỏi con cái phải sống như mình ngày xưa, nhưng lại quên rằng thời xưa ông bà đâu nuôi con bằng smartphone, giao hàng và dịch vụ tiện lợi như bây giờ.”

Cuộc tranh luận cho thấy: Việc nuôi dạy con trong thời đại đầy đủ vật chất nhưng thiếu thử thách không hề đơn giản. Giữa yêu thương và buông lỏng là một ranh giới mỏng manh. Và món quà báo hiếu lớn nhất mà cha mẹ mong con có được không phải là sự biết ơn bằng lời nói, mà chính là một đứa trẻ biết sống có trách nhiệm, biết tự bước đi trên đôi chân của mình, và biết yêu thương đúng cách.



Theo Phunutoday

Bài viết liên quan
- Advertisment -spot_img

Bài viết mới

Recent Comments