Hoa giấy là loại cây cảnh có nhiều ưu điểm. Nó dễ trồng, không cần chăm sóc nhiều, có thể nở hoa quanh năm. Mỗi đợt hoa giấy nở có thể kéo dài từ 30-40 ngày.
Mặc dù hoa giấy là loại cây “dễ tính” nhưng có nhiều người gặp tình trạng cây không có hoa mà chỉ toàn lá. Để kích thích cho hoa giấy nở nhiều, nhất là vào thời điểm giao mùa, trời chuyển sang thu như hiện nay, bạn nên áp dụng quy tắc “2 nhiều – 2 giảm” sau đây.
Tăng ánh sáng
Cây hoa giấy là loại cây ưa sáng. Cây sẽ cho ra nhiều hoa khi phát triển trong điều kiện có đủ ánh sáng. Ngược lại, nếu được trồng trong bóng râm, lượng ánh sáng không đủ, cây gần như không ra hoa. Việc tiếp xúc với ánh sáng nhiều giúp cây quang hợp tốt cũng như thúc đẩy quá trình phân hóa nụ của cây.
Nếu đang trồng cây trong chậu, bạn nên tìm vị trí đặt cây có thể giúp cây tiếp xúc với càng nhiều ánh sáng càng tốt.
Tăng dinh dưỡng
Cây cần có dinh dưỡng để cây ra hoa. Cây hoa giấy nở quanh năm và thời gian ra hoa dài nên cần nhiều dinh dưỡng hơn.
Bón phân nhẹ nhàng, thường xuyên giúp quá trình tái phát triển hoa của cây diễn ra nhanh hơn.
Việc bón phân cho cây hoa giấy có thể chia theo từng vùng miền do điều kiện khí hậu khác nhau.
– Miền Nam
Ở niềm Nam, cây hoa giấy vẫn đang trong giai đoạn ra hoa nhưng dần dần hoa sẽ không to như mùa hè mà thưa dần. Để thúc đẩy quá trình ra hoa, giúp hoa nở nhiều hơn, bạn nên bón phân đạm kết hợp với lân và kali hoặc chỉ cần bón lân và kali để cây khỏe mạnh hơn, giảm sự phát triển của cành.
– Miền Bắc
Nhiều cây hoa giấy ở miền Bắc sẽ ra hoa khi bước vào mùa đông. Để hoa giấy có thể nở vào thời điểm này, nên bón phân đạm cho cây vào mùa thu. Có thể bón đạm từ cuối tháng 8. Sang tháng 10 bón thêm phân lân và kali đồng thời kiểm soát nước của cây. Đây là cách hãm cho cây ra hoa đúng vào thời điểm cuối năm, trùng dịp tết (hoa nở vào khoảng tháng 12 và tháng 1 năm sau).
Giảm tưới nước
Để kích thích cây hoa giấy ra hoa, quá trình siết nước đóng vai trò quan trọng. Bạn cần phải giảm lượng nước tưới để đưa cây vào trạng thái khủng hoảng sinh tồn. Như vậy, cây sẽ chuyển từ phát triển cành, lá sang phân hóa nụ hoa.
Bạn hãy ngừng tưới nước cho đến khi lá cây mềm, rủ xuống nhưng vẫn bám chắc trên cành thì mới tưới nước trở lại. Sau đó lại tiếp tục hạn chế tưới nước. Sau khoảng 3-4 lần cắt nước như vậy, nụ hoa sẽ bắt đầu xuất hiện.
Giảm cành lá
Ngoài những việc trên, bạn cũng nên cắt tỉa bớt những cành yếu, cành mỏng, hoa cũ, không để cây quá rậm rạp. Như vậy, dinh dưỡng sẽ tập trung vào các phần còn lại của cây, giúp cây phân hóa nụ hoa tốt hơn.