Home Cuộc sống Người Việt đầu tiên đỗ Trạng nguyên 2 hai nước, người đứng...

Người Việt đầu tiên đỗ Trạng nguyên 2 hai nước, người đứng đầu trong bia Tiến sĩ ở Văn Miếu là ai?


Nguyễn Trực được xác nhận là Lưỡng quốc Trạng nguyên (Trạng nguyên hai nước) đầu tiên. Ông là vị Trạng nguyên đầu tiên của triều Hậu Lê, đồng thời cũng là người đầu tiên được khắc tên lên bia Tiến sĩ ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

Vừa chăn trâu vừa treo sách ở sừng trâu để học vẫn đỗ Trạng nguyên

Lưỡng quốc Trạng nguyên Nguyễn Trực (1417-1474) quê ở làng Bối Khê, xã Tam Hưng, huyện Quốc Oai, nay thuộc Hà Nội. Ông sinh ra trong gia đình truyền thống khoa bảng, từ cụ, ông đến bố đều là Tiến sĩ và làm quan trong triều đình.

Từ ngày bé, Nguyễn Trực đã nổi tiếng thông minh, chịu khó học hành. Gia đình tuy làm quan trong triều nhưng rất thanh bạch. Nguyễn Trực thường phải vừa chăn trâu vừa treo sách ở sừng trâu để học. 12 tuổi, ông đã giỏi văn, thơ.

Năm Thiệu Bình thứ nhất đời vua Lê Thái Tông (năm 1434), mới 17 tuổi Nguyễn Trực đã đỗ giải nguyên kỳ thi Hương. Năm Đại Bảo thứ 3 (năm 1442), ông thi Đình và đỗ Tiến sĩ Đệ nhất giáp (Trạng nguyên) khi mới 25 tuổi.

Nguyễn Trực được nhà vua ban sắc “Quốc Tử Giám Thi thư” và thưởng Á Liệt Khanh, đứng đầu trong 33 vị Tiến sĩ cùng khoa. Khoa thi nho học năm 1442 là khóa đầu tiên được lưu vào văn bia và khoa thi này do Nguyễn Trãi làm chủ khảo.

Lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, vua Lê ban mũ áo Trạng nguyên vinh quy về làng. (Ảnh minh họa)

Sau khi đỗ Trạng nguyên, tháng 5/1442, cha Nguyễn Trực qua đời, ông phải về quê chịu tang. Năm 1444, dưới triều vua Lê Nhân Tông, Nguyễn Trực được ban chức Triều nghi đại phu Hàn lâm viện học sĩ Vu kỵ úy.

Ít lâu sau, ông được vua tuyên triệu về triều, ban chức Triều nghi đại phu Hàn lâm viện học sĩ. Đến năm 1445, chức quan được được đổi lại thành Thiếu trung khanh đại phu, Ngự sử Đài ngự sử thị Đô úy. Nhưng Nguyễn Trực đã dâng biểu từ chối, khiến vua Lê Nhân Tông phải ra sắc dụ tới 3 lần ông mới chịu nhận.

Lưỡng quốc Trạng nguyên đầu tiên trong lịch sử Việt Nam

Nguyễn Trực từng được vua cử làm Chánh sứ sang nhà Minh, gặp kỳ thi Đình, ông cùng với Phó sứ là Trịnh Thiết Trường muốn cho nhà Minh biết đến tài học của dân ta, nên xin dự thi và được vua Minh chấp nhận. Khi vào thi, hai ông phải chấp hành nội quy trường thi như các thí sinh khác.

Khi chấm thi xong, khớp phách thì Nguyễn Trực đậu Trạng nguyên, Trịnh Thiết Trường đậu Bảng nhãn, vua nhà Minh phải khen ngợi: “Đất nào cũng có nhân tài” và phong cho Nguyễn Trực là Lưỡng quốc Trạng nguyên. Trở về nước, cả hai ông đều được nhà vua phong chức Thượng thư và ban thưởng tám chữ vàng “Thành công danh Nam Bắc triều biên ngã” (công danh cả hai nước đều hoàn thành).

Nguyễn Trực là người Việt đầu tiên đỗ Trạng nguyên hai nước. (Ảnh minh họa)

Năm Giáp Tuất 1454, mẹ Nguyễn Trực qua đời. Ông cáo quan, về quê chịu tang mẹ. Hằng ngày, ông đọc sách, dạy học, bốc thuốc và được biết đến như một lương y. Nhiều bậc cự nho, danh sĩ khoa bảng đều từng là học trò của Trạng nguyên Nguyễn Trực trong thời gian này.

Là một vị quan liêm khiết, trạng nguyên Nguyễn Trực được vua Lê Nhân Tông yêu quý. Trong thời gian Nguyễn Trực về chịu tang mẹ, vua đã sai vẽ tranh truyền thần ông và để cạnh ngai vàng, tỏ ý luôn nhớ đến Trạng nguyên. Đây là trường hợp hiếm hoi trong lịch sử phong kiến về một Trạng nguyên được nhà vua yêu quý.

Khi vua Lê Nhân Tông bị hãm hại, Nguyễn Trực thảo văn tế, lời lẽ thống thiết, kể hết công đức của tiên đế. Năm 1460, Lê Thánh Tông lên ngôi, Nguyễn Trực càng được yêu quý. Vua cho người đem bộ Thiên nam du hạ tập đến tận nhà của Nguyễn Trực để ông đọc và phẩm bình. Cùng năm, ông được bổ Tuyên phụng đại phu, Trung thư lệnh, ở hàng văn quan rất to. Đáng nói, đã không ít lần ông xin về quê nhưng nhà vua đều từ chối.

Nơi lan tỏa truyền thống hiếu học

Đến năm 1474, Nguyễn Trực qua đời, hưởng thọ 57 tuổi. Sau khi Lưỡng quốc Trạng nguyên Nguyễn Trực qua đời và được an táng tại thôn Bạch Thạch (xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai ngày nay) thì người dân ở quê cha ông (thôn Song Khê, xã Tam Hưng) cũng lập đền thờ.

Đền thờ Lưỡng quốc Trạng nguyên Nguyễn Trực được xây dựng theo kiểu 2 mái chồng diêm, hai bờ nóc đắp nổi rồng cưỡi mây, ở giữa có viên minh châu, mái lợp ngói mũi hài. Cổng đền có dòng chữ: “Lưỡng quốc Trạng nguyên từ”, phía trước sân còn tấm bia đá “Bối Khê Nguyễn tộc bia ký” thời Nguyễn.

Đền gồm 3 gian, hai gian bên có hai tấm bia đá cổ ghi chép về cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Trực. Gian giữa là ngai thờ và tấm bằng công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia (năm 2011). Trong đền thờ có các bức đại tự: “Quốc Ân Gia Khánh”, “Chung Đỉnh Dụ Gia”, “Nguyễn Thị từ đường”. Hai bên đầu hồi có bức cốn chạm lộng cảnh rồng với thiên nhiên độc đáo.

Bia Tiến sĩ của Trạng nguyên Nguyễn Trực ở Văn Miếu Quốc tử Giám, khoa thi năm 1442

Trên quê hương Thanh Oai, có một trường học mang tên Lưỡng quốc Trạng nguyên là Trường Trung học cơ sở Nguyễn Trực (thị trấn Kim Bài) như sự ghi nhớ của hậu thế với bậc tiền nhân – một tấm gương sáng cho lớp lớp con cháu noi theo.



Theo Phunutoday

Exit mobile version