Vừa qua, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn tiếp nhận trường hợp của ông L.N.H (67 tuổi, ngụ tại Quận 3, TP. HCM). Ông được đưa vào Khoa Cấp cứu trong tình trạng lơ mơ, chẩn đoán ban đầu là rối loạn nhịp tim, theo dõi nhồi máu cơ tim cấp. Kết quả ghi nhận các dấu hiệu sinh tồn ở mức nguy hiểm: thiếu oxy máu (SpO2 80%), huyết áp rất thấp 70/50mmHg, điện tâm đồ ghi nhận tình trạng block nhĩ thất hoàn toàn (tắc nghẽn hoàn toàn dẫn truyền xung động từ tâm nhĩ xuống tâm thất), nhồi máu cơ tim cấp thành dưới.
Hình ảnh chụp DSA cho thấy mạch vành phải bị tắc của ông H.
Nhận thấy tình hình nguy cấp của người bệnh, các bác sĩ Cấp cứu lập tức cho sử dụng thuốc vận mạch, giữ huyết áp ổn định và kích hoạt quy trình Code Stemi. Đây là quy trình chuẩn hóa (theo tiêu chuẩn của Hiệp hội Tim mạch châu Âu – ESC) về xử trí nhồi máu cơ tim cấp, tận dụng thời gian vàng để mang lại sự sống cho người bệnh gặp tình trạng nguy kịch, đồng thời giảm đáng kể các biến chứng nặng nề về sau.
Để kịp thời cứu sống người bệnh, các bác sĩ Khoa Nội tim mạch & Can thiệp đã chỉ định người bệnh chụp mạch vành khẩn. Sau khi xác định chính xác tình trạng tắc hoàn toàn đoạn giữa mạch vành phải, bác sĩ thành công đặt stent vào đoạn bị tắc đồng thời triển khai dự phòng máy tạo nhịp tạm thời. Tuy nhiên, do huyết khối (cục máu đông) nhiều đã tiếp tục gây tắc các vị trí khác trong mạch vành phải. Nhằm xử lý triệt để tình trạng này, ekip đã sử dụng kết hợp nhiều phương pháp như hút huyết khối trong lòng mạch, ép huyết khối bằng bóng, sử dụng thêm thuốc kháng đông và thuốc kháng kết tập tiểu cầu…Sau 2 giờ, tình trạng huyết khối của người bệnh đã được xử lý ổn định và được chuyển về Khoa Hồi sức để tiếp tục điều trị. Người bệnh hồi phục sức khỏe và xuất viện sau một tuần điều trị.
BS.CKII Trần Nguyễn An Huy – bác sĩ trực tiếp điều trị cho ông H. cho biết “Người bệnh này đã có những dấu hiệu khởi phát từ 2-3 ngày trước là cảm thấy mệt mỏi khi đi lại, tuy nhiên không đến bệnh viện thăm khám. Đối với các trường hợp nhồi máu cơ tim, thời gian vàng để cứu người bệnh là trong những giờ đầu sau khi xuất hiện các triệu chứng. Vì nếu để tình trạng tắc nghẽn kéo dài càng lâu, cơ tim sẽ bị tổn thương càng nhiều. Do đó, việc tái thông mạch vành càng sớm sẽ càng mang lại những kết quả khả quan trong điều trị”
BS. Huy thăm khám cho ông H. trước khi xuất viện
Cũng theo BS. Huy, mặc dù nhồi máu cơ tim thường xảy ra bất ngờ nhưng vẫn có những trường hợp được cảnh báo trước hàng giờ, hàng ngày bằng các dấu hiệu rõ ràng, điển hình nhất là cơn đau thắt ngực. Người bệnh sẽ có cảm giác đau tức, đè nặng, xoắn vặn trong lồng ngực, thường xảy ra khi ngồi nghỉ. Cơn đau kéo dài trên 15 phút, đau lan ra sau lưng, vùng cổ, cằm, vai hoặc cánh tay. Đồng thời, cảm thấy mệt, hồi hộp, khó thở, vã mồ hôi, hốt hoảng hoặc ngất xỉu. Cơn đau không có dấu hiệu thuyên giảm. Một số trường hợp đặc biệt như người cao tuổi, phụ nữ hoặc người bệnh đái tháo đường thường có các dấu hiệu như: khó thở, thay đổi tri giác, ngất hoặc tụt huyết áp (<90/60mg).
Để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người xung quanh, đối với các trường hợp phát hiện người bị nhồi máu cơ tim cấp, người thân cần giữ bình tĩnh và gọi ngay cấp cứu. Việc lựa chọn phương pháp điều trị nhồi máu cơ tim cấp thường phụ thuộc vào nhiều yếu tố quan trọng như thời gian nhập viện, tình trạng sức khỏe của người bệnh, hệ thống trang thiết bị và tay nghề chuyên môn của bác sĩ.