Mộng thịt hay còn gọi là mộng mắt (Pterygium) là tình trạng tăng sản bất thường và lành tính của kết mạc mắt. Mộng có hình tam giác, thường xuất hiện ở hai góc trong hoặc ngoài của mắt và có xu hướng phát triển vào trung tâm giác mạc gây giảm thị lực.
Theo bác sĩ chuyên khoa I Phạm Lê Hoàng Anh, khoa Mắt, Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1 TP.HCM, dựa vào kích thước và khả năng xâm lấn vào giác mạc, mộng thịt được chia thành 4 độ:
- Mộng độ 1: Mộng phát triển đến rìa giác mạc (lòng đen).
- Mộng độ 2: Mộng phát triển qua rìa giác mạc nhưng chưa đến bờ đồng tử (lỗ nhỏ màu đen, nằm giữa trung tâm mắt).
- Mộng độ 3: Mộng phát triển đến bờ đồng tử.
- Mộng độ 4: Mộng xâm lấn qua bờ đồng tử.
Những người có thời gian tiếp xúc lâu dài với ánh nắng mặt trời, gió bụi như tài xế, nông dân, công nhân công trình, người dân sống ở vùng biển… hoặc người thường xuyên tiếp xúc với hơi nóng như đầu bếp, thợ hàn… là nhóm dễ bị mộng mắt.
Về mặt giải phẫu bệnh, mộng thịt là một khối tăng sản lành tính. Tuy nhiên, khi mộng phát triển quá lớn sẽ gây giảm thị lực không hồi phục ở bệnh nhân.
Việc sử dụng thuốc nhỏ hay thuốc mỡ bôi mắt giúp làm giảm các triệu chứng của bệnh. Phẫu thuật là phương pháp điều trị duy nhất có thể loại bỏ mộng thịt.
Hiện có 3 phương pháp điều trị phẫu thuật mộng mắt chính:
- Cắt mộng đơn thuần: Nhanh, không đòi hỏi kỹ thuật và trang thiết bị phức tạp. Tuy nhiên tỷ lệ tái phát mộng thịt cao.
- Cắt mộng có ghép kết mạc tự thân: Đòi hỏi có sinh hiển vi phẫu thuật, phẫu thuật viên có tay nghề cao. Tỷ lệ tái phát thấp, an toàn, hiệu quả, là phương pháp đang được các cơ sở y tế áp dụng rộng rãi.
- Ghép kết mạc có vạt xoay: Là phương pháp mới không yêu cầu trang thiết bị quá phức tạp, an toàn, hiệu quả, tỷ lệ tái phát thấp.