Tại buổi làm việc với Ban Văn hóa Xã hội, HĐND TP.HCM ngày 2/1, đại diện UBND quận Tân Phú cho biết Bệnh viện quận Tân Phú không chỉ chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn quận mà còn tiếp nhận bệnh nhân từ các khu vực lân cận như Tân Bình, Bình Tân và quận 1, do chính sách thông tuyến bảo hiểm y tế hiện nay.
Bệnh viện quận Tân Phú có công suất 250 giường bệnh, nhưng số lượng người bệnh điều trị nội trú thường xuyên lên đến gần 450 người.
“Người bệnh nằm ngoài hành lang rất nhiều,” đại diện UBND quận Tân Phú chia sẻ.
Trước tình trạng này, quận Tân Phú đề xuất Sở Y tế TP.HCM tham mưu UBND TP.HCM bố trí kinh phí để sửa chữa và xây mới 2 bệnh viện quận, 11 trạm y tế cùng phòng khám lao và HIV. Đồng thời, tăng cường mua sắm thiết bị cho các trạm y tế nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.
Hiện mỗi ngày, Bệnh viện quận Tân Phú tiếp nhận từ 3.100-4.000 lượt khám ngoại trú, khiến cả hai mảng ngoại trú và nội trú đều rơi vào tình trạng quá tải.
Tại cuộc họp, PGS.TS Nguyễn Anh Dũng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết trong năm 2024, ngành y tế thành phố đã đạt nhiều thành quả tích cực. Tuy nhiên, vẫn tồn tại nhiều hạn chế và khó khăn.
Một số bệnh viện trên địa bàn như Bệnh viện Tâm thần, Bệnh viện Chấn Thương Chỉnh hình, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM đang xuống cấp và rơi vào tình trạng quá tải. Sở Y tế đã trình đề án lên HĐND TP.HCM nhằm đầu tư, cải tạo, nâng cấp, thậm chí xây mới các bệnh viện này để nâng cao chất lượng phục vụ và phát triển chuyên khoa sâu.
Ngoài ra, thành phố có 7 bệnh viện được UBND TP giao quyền tự chủ tài chính nhóm 1 theo Nghị định 60, nhưng đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về việc thành lập Hội đồng quản lý bệnh viện cũng như các vấn đề liên quan như tổ chức lại hoặc giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.
Bên cạnh đó, Sở Y tế đề xuất giữ nguyên đội ngũ trạm y tế khi sáp nhập các phường, xã để đảm bảo chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.