1. Quan sát vỏ bưởi
Nhiều người dùng chưa có kinh nghiệm sẽ yêu thích lựa chọn những quả bưởi có vẻ ngoại trơn bóng, nhẵn nhụi. Tuy nhiên theo anh Lê Văn Lộc, chủ kênh Youtube về mẹo chọn hoa quả, sở hữu hơn 1 triệu người theo dõi, nếu muốn chọn được bưởi ngon, hãy làm theo nguyên tắc “ngược lại”.
Tức là thay vì chọn quả bưởi vỏ đẹp, người dùng hãy chọn những quả có phần vỏ rám, thậm chí là “sần sùi”. Đây là những quả bưởi vỏ dày, chín tới. Thậm chí nếu ở gần cuống, có các phần nhô lên cao hơn hẳn thì chứng tỏ đây quả bưởi mọng nước.
Những quả bưởi vỏ quá đẹp sẽ chỉ phù hợp trong trường hợp để bày hoặc thắp hương, giá trí sử dụng không được đánh giá quá cao bằng.
2. Ấn thử vào cuống bưởi
Hiện nay các loại bưởi bán ngoài chợ hay trong các cửa hàng, siêu thị đa phần là các loại bưởi đã không còn nguyên cuống. Tuy nhiên không vì thế mà người dùng không thể đánh giá được độ tươi cũng như chín của quả bưởi.
Người dùng hãy nhìn vào phần cuống đã rụng ra, sau đó ấn thử vào khu vực này. Nếu thấy ấn được, cuống có độ mềm nhất định tức là bưởi đã chín tới, có thể ăn ngay. Còn nếu không ấn được, khi ấn có cảm giác sượng, cứng thì tức là bưởi còn non, xanh. Nếu thấy phần cuống của quả bưởi lệch tâm, không nằm ở chính giữa thì càng không nên mua vì đây là quả bưởi chất lượng thấp, được hái quá sớm.
3. Kiểm tra trọng lượng bưởi
Cách thứ 3 được chỉ ra giúp góp phần tăng tỷ lệ người dùng chọn được trái bưởi mọng nước. Đó là hãy kiểm tra trọng lượng của bưởi bằng cách cầm thử. Người dùng có thể cầm mỗi tay một quả bưởi để dễ dàng so sánh. Nếu thấy quả bưởi bên nào nặng tay hơn tức là nó sẽ mọng nước hơn, khi ăn không bị khô.
Tùy vào nhu cầu, mục đích sử dụng và sở thích của gia đình mà người dùng có thể áp dụng các cách trên chọn mua bưởi.
Cách bảo quản bưởi tươi 2-3 tháng tại nhà
Để tránh tình trạng bưởi bị quá già, dẫn đến tình trạng héo, khô, không còn ngon ngọt, mọng nước thì ban đầu, khi mua bưởi về, nếu không có nhu cầu sử dụng ngay, người dùng cần thực hiện một số thao tác với quả bưởi. Với cách làm này, không cần để tủ lạnh, bưởi cũng có thể giữ được độ tươi trong vòng 2-3 tháng.
Đầu tiên đó là bôi vôi vào cuống bưởi. Người dùng cần rửa sạch bưởi, cắt bớt phần cuống (nếu còn), nếu bưởi không còn cuống cũng không sao. Dùng một ít vôi chấm lên phần cuống đó. Cuối cùng chỉ cần để ở khu vực thoáng mát, khô ráo, tránh ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp hoặc môi trường ẩm ướt xung quanh.
Vôi có chứa một chất vừa giúp diệt khuẩn, vừa giúp ngăn chặn tình trạng hư hỏng của quả bưởi. Cách bôii vôi lên cuống bưởi cũng chính là cách được nhiều nhà vườn hay các gia đình trồng bưởi thực hiện để bảo quản bưởi lâu dài.
Cách thứ 2 đó là sử dụng cát khô. Cách làm này giúp hút ẩm trái bưởi, từ đó bưởi có thể để được thậm chí từ 4-6 tháng mà không bị nấm mốc, hư thối. Người dùng chỉ cần chuẩn bị một chiếc chậu hoặc túi, bao có chứa cát khô, sau đó đặt bưởi vào trong. Mỗi tuần có thể kiểm tra xem cát có vô tình bị nhiễm ẩm không, nếu có cần thay ngay.
Trên đây là 2 cách bảo quản áp dụng với bưởi còn nguyên quả. Còn với bưởi đã gọt, bóc, tách múi, tốt nhất người dùng nên cho vào các túi nilon, đẩy hết không khí ra ngoài, hoặc đặt trong các hộp bảo quản riêng biệt, được đóng kín. Bưởi đã bóc tốt nhất nên được thưởng thức trong vòng 2-3 ngày sau đó, cũng không nên tủ lạnh quá lâu bởi sẽ khiến bưởi giảm chất lượng, không còn ngon, mọng nước như ban đầu mà có thể bị khô.