Mỗi tư thế ngủ đều có ưu nhược điểm riêng với sức khỏe tổng thể mà bạn cần xem xét, cân nhắc. Chẳng hạn nằm ngửa không tốt cho chứng ngưng thở khi ngủ, nằm nghiêng có thể tốt hơn nhưng lại gây hại cột sống. Trong khi đó, nhiều người cho rằng nằm nghiêng về bên trái có thể ảnh hưởng tới vị trí của tim và những thay đổi nhất định trên điện tâm đồ. Điều này có chính xác?
Ngủ nghiêng bên trái có hại tim không?
Một số nghiên cứu đã tìm ra mức ảnh hưởng của tư thế ngủ đến sức khỏe trái tim và một vài kết quả trong số đó đã chỉ ra, nằm nghiêng về bên trái sẽ làm tăng áp lực cho tim. Nghiên cứu năm 1977 đăng trên PubMed thuộc Trung tâm Thông tin Công nghệ sinh học Quốc gia Mỹ (NCBI) cho thấy, nằm nghiêng cũng làm thay đổi đáng kể hoạt động điện tim trên điện tâm đồ (ECG). Các nhà nghiên cứu cũng tìm ra những tác động đáng lưu tâm hơn khi bệnh nhân nằm nghiêng về bên trái.
Theo nghiên cứu khác từ NCBI tiến hành vào năm 2018, tư thế ngủ nghiêng bên trái cũng có liên quan đến sự thay đổi nhịp ECG ở những người khỏe mạnh. Sử dụng điện tâm đồ vector cũng phát hiện ra sự thay đổi vị trí quả tim và sự gián đoạn dòng điện của tim khi nằm về bên trái. Còn ở tư thế nằm nghiêng về bên phải hầu như không có sự thay đổi đáng kể nào về ECG và ở tư thế này, trái tim sẽ được giữ cố định bởi lớp mô giữa hai lá phổi gọi là trung thất.
Điều này cho thấy, mặc dù ngủ nghiêng bên trái có thể khiến hoạt động điện tim thay đổi nhưng không có bằng chứng cho thấy tư thế ngủ này làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim ở người khỏe mạnh và không có tiền sử mắc bệnh tim mạch. Tuy nhiên, những bệnh nhân suy tim không nên áp dụng tư thế này bởi vì có thể bị khó chịu và khó thở.
Đâu là tư thế ngủ tốt nhất cho trái tim?
Cho đến nay, vẫn chưa có nghiên cứu về tư thế ngủ tốt nhất cho sức khỏe tim mạch với những người khỏe mạnh. Lời khuyên tốt nhất cho mọi người khi đang tìm tư thế ngủ tốt cho trái tim đó là, hãy quan sát các triệu chứng của cơ thể khi nằm nghiêng bên trái và nằm nghiêng về bên phải.
Nếu xảy ra các hiện tượng như đánh trống ngực, nhận thức thấy nhịp tim nhanh hoặc bất thường hay cảm giác khó thở, cảm thấy khó chịu hơn khi nằm nghiêng bên trái thì nên nằm nghiêng về bên phải.
Với tư thế ngủ nằm nghiêng về bên phải, một số ý kiến cho rằng có thể chèn ép tĩnh mạch chủ, đường dẫn máu từ các bộ phận đi vào tim, hạn chế lưu thông máu nhưng vẫn chưa có bằng chứng cụ thể. Nói chung tư thế ngủ này dường như an toàn, không làm tăng nguy cơ phát triển chứng suy tim. Nghiên cứu khác cũng kết luận, những bệnh nhân mắc chứng cơ tim và suy tim nên nằm ngủ bên phải tốt hơn bên trái.
Nếu không bị chứng ngưng thở khi ngủ hoặc vấn đề về hô hấp, tư thế nằm ngửa khi ngủ cũng có thể là một lựa chọn tốt. Tuy nhiên, nằm ngửa lại có nguy cơ làm trầm trọng thêm chứng ngưng thở khi ngủ và ngáy. Ngưng thở khi ngủ không được điều trị có liên quan đến tăng nguy cơ suy tim.
Tư thế ngủ nằm sấp có thể làm giảm chứng ngưng thở khi ngủ và ngủ ngáy nhưng cũng có thể gây đau cổ hoặc lưng. Ngoài ra, nằm sấp tạo áp lực lên tim và phổi, giảm lưu thông máu và oxy, không phải là tư thế ngủ lý tưởng cho tim mạch.
Nói cách khác, tốt nhất hãy nằm ở tư thế mà bản thân cảm thấy thoải mái hơn. Nếu có tiền sử bệnh tim mạch hoặc thường xuyên có các biểu hiện bất thường liên quan đến tim mạch như đau tức ngực hoặc nặng ngực, thường xuyên mệt mỏi, ho dai dẳng kéo dài, mạch đập không đều, thường xuyên cảm thấy chóng mặt, ngất xỉu, hay cảm thấy bất an và lo lắng, khả năng gắng sức kém, cơn đau từ tim lan tới cánh tay, đau quai hàm, sưng phù chân, bị chứng ngưng thở khi ngủ hoặc thường xuyên buồn ngủ vào ban ngày,… hãy đến bác sĩ để nhận tư vấn về tư thế ngủ và phương pháp chăm sóc giấc ngủ phù hợp với thể trạng.
Làm gì để chăm sóc chất lượng giấc ngủ?
Để có giấc ngủ chất lượng và bảo vệ tim cũng như ngăn ngừa các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, mọi người nên chú ý rèn luyện vệ sinh giấc ngủ tốt.
Trước hết, mỗi người nên ngủ đủ giấc khoảng 7 tiếng mỗi đêm, thời gian đi ngủ và thức dậy cùng một thời điểm mỗi ngày. Khi ngủ nên lựa chọn mặc trang phục thoải mái, thấm hút mồ hôi.
Trước khi đi ngủ, tránh tập thể dục với cường độ cao; tránh sử dụng các thiết bị điện tử trong vòng ít nhất 1 giờ trước khi ngủ; tránh uống rượu bia và thức uống chứa caffeine trước khi đi ngủ.
Nếu đang được điều trị các vấn đề về tim, người bệnh có thể gặp phải tình trạng ngủ kém hơn do tác dụng phụ của thuốc. Chẳng hạn như thuốc chẹn beta hay cảm giác đau do bệnh tim cũng khiến giấc ngủ kém chất lượng hơn. Khi đó, hãy nói chuyện với bác sĩ về những thay đổi đối với giấc ngủ gặp phải để nhận được lời khuyên khắc phục.