Mặc dù gọi là ADHD người lớn, nhưng thực ra nó đã tồn tại từ thuở ấu thơ, nhưng chưa được phát hiện ra. Rối loạn tăng động, giảm chú ý ở người lớn là một rối loạn bao gồm sự kết hợp của các vấn đề khó chú ý, hiếu động quá mức và hành vi bốc đồng. Bệnh gây ra nhiều hệ lụy như giảm hiệu suất làm việc, học tập kém và lòng tự trọng thấp.
Dấu hiệu người lớn bị tăng động giảm chú ý:
ADHD ở người lớn thường khó nhận biết hơn so với trẻ nhỏ và dễ nhầm lẫn với các rối loạn tâm thần khác. Ví dụ như trẻ nhỏ bị tăng động giảm chú ý thường hoạt động quá mức, luôn tay, luôn chân, khó lắng nghe, khó tập trung chú ý. Với người lớn, ADHD thường có biểu hiện bồn chồn, hay quên, không tập trung hoặc trì hoãn công việc, hay lo lắng… Trong đó, dấu hiệu chỉ điểm đáng chú ý nhất là không tập trung, bỏ dở công việc và không hoàn thành đúng thời hạn.
Những người hay bốc đồng, không tập trung hoàn thành công việc có thể do mắc ADHD. Ảnh minh họa.
Ngoài ra, nhiều người trưởng thành còn có dấu hiệu hiếu động khi bị tăng động giảm chú ý, ví dụ như thường xuyên ra khỏi chỗ ngồi, khó tham gia vào các hoạt động yên tĩnh, luôn di chuyển, nói nhiều, bốc đồng, khó xếp hàng chờ đợi, ngắt lời người khác…
Để xác định một người trưởng thành có bị ADHD hay không, các bác sĩ, nhà trị liệu thường sẽ dựa trên ba bước sau để chẩn đoán. Đầu tiên là tìm kiếm các dấu hiệu, triệu chứng ảnh hưởng cuộc sống của người bệnh. Thứ hai, cần đánh giá các yếu tố bên ngoài có thể khiến người bệnh có các hành vi đáng nghi ngờ. Thứ ba, người bệnh có một số rối loạn sức khỏe tâm thần khác kèm theo hay không.
Đáng chú ý, khi bị ADHD ngoài ảnh hưởng đến hiệu quả công việc, nếu không được quan tâm, cải thiện bằng các liệu pháp hoặc dùng thuốc, có thể dẫn đến những hậu quả như rơi vào khủng hoảng, trầm cảm.
Nguyên nhân gây tăng động giảm chú ý ở người lớn:
Những yếu tố có thể kích hoạt tăng động giảm chú ý ở người lớn là căng thẳng, thiếu ngủ, suy dinh dưỡng và chế độ ăn uống nghèo nàn, kích thích quá mức, thay đổi các yếu tố môi trường như độ nhạy âm thanh, nhiệt độ và mùi, thiếu sự quan tâm.
Do vậy, khi phát hiện người trưởng thành có dấu hiệu bị rối loạn tăng động, giảm chú ý cần đưa đi khám để được chẩn đoán và điều trị sớm nhất có thể.
Cách điều trị cho người lớn bị tăng động giảm chú ý:
Điều trị AHDH cho người lớn sẽ bao gồm việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, tư vấn tâm lý (tâm lý trị liệu) và điều trị cho bất kỳ tình trạng sức khỏe tâm thần nào xảy ra cùng với ADHD. Việc điều trị này cũng chỉ giúp bệnh nhân nhận ra chính mình và tạo hành lang tiết chế hành vi, chứ không điều trị khỏi được.