Trẻ em có sức đề kháng và hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, vì vậy, trẻ rất dễ mắc bệnh. Nhiều cha mẹ cho rằng cho con đi chơi nhiều, tiếp xúc với không khí lạnh… nên dễ ốm hơn mà chủ quan quên rằng ngay trong chính không gian sống cũng có rất nhiều nguy cơ tiềm ẩn gây bệnh cho trẻ.
Đồ chơi nhà tắm – nơi tích tụ nhiều vi khuẩn và nấm mốc có khả năng gây bệnh
Hầu như trẻ nào cũng có đồ chơi nhà tắm, không nhiều thì ít. Đó có thể là một vài quả bóng, một hai chú vịt, hươu cao cổ… Đây là món đồ chơi mà con sẽ chơi trong khi tắm. Thường thì các bố mẹ nghĩ rằng đồ chơi tắm thì sạch hơn so với các loại đồ chơi khác vì ngày nào nó cũng được “tắm” trong nước, nên khi làm vệ sinh đồ chơi, nhiều bố mẹ bỏ qua các món đồ chơi nhỏ này.
Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu, đồ chơi tắm lại là nơi tích tụ vi khuẩn có khả năng gây bệnh, vì môi trường bên trong đồ chơi ấm áp và ẩm ướt rất thích hợp cho vi khuẩn và nấm mốc phát triển. Cụ thể, các nhà khoa học của Viện Khoa học công nghệ môi trường Liên bang Thụy Sỹ (EAWAG), Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ (ETH Zürich) và Đại học Illinois đã nghiên cứu thử nghiệm các con vịt cao su này trong bể tắm nước ấm của các bé trong 11 tuần.
Khi các nhà nghiên cứu cắt đôi các con vịt cao su để quan sát mặt bên trong, họ nhận thấy có từ 5 triệu đến 75 triệu tế bào nấm và vi khuẩn trên mỗi cm2 tùy thuộc vào điều kiện thí nghiệm. Trong đó có loại vi khuẩn gây bệnh tiềm tàng là Legionella (có thể gây ra bệnh viêm phổi).
Theo các nhà nghiên cứu, những nguyên vật liệu làm nên loại đồ chơi này là từ các hợp chất cacbon hữu cơ và những chất liệu kém chất lượng. Những chất liệu này khi giải phóng ra ngoài cũng làm cho nước bị nhiễm khuẩn, không tốt cho sức khỏe của trẻ.
Chính môi trường nước ấm áp và ẩm ướt trong phòng tắm đã tạo điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn, nấm mốc này sinh sôi, nảy nở. Và mỗi khi trẻ bóp con vịt đồ chơi để tạo tiếng kêu chúng sẽ thoát ra ngoài, gây hại cho sức khỏe của bé. Không chỉ vịt cao su này mà còn các đồ chơi khác trong nhà tắm như vậy cũng gây hại cho trẻ.
Rèm cửa, ga giường – tích tụ bụi bẩn, vi khuẩn lâu ngày
Một trong số những món đồ mà trẻ thường xuyên tiếp xúc chính là giường và các loại rèm cửa. Chúng có thể vui đùa, chạy nhảy, chơi trốn tìm và cuối cùng là ngủ trên chiếc giường của con mỗi tối. Chiếc rèm treo cửa tích tụ bụi bặm khắp nơi, đến đồ đạc trong nhà thường xuyên lau vẫn cảm thấy bẩn thì chiếc rèm cửa không được vệ sinh thường xuyên sẽ bụi đến như thế nào.
Rèm cửa thường xuyên được sử dụng, mỗi lần mở ra đóng vào đều phát tán rất nhiều bụi bẩn, nấm mốc, trẻ nhỏ hít vào rất dễ gây nên các bệnh về tai mũi họng. Tốt nhất là nên vệ sinh thường xuyên, thời tiết đang nồm ẩm các mẹ có thể giặt và cho vào sấy luôn.
Sau một ngày học tập, vui chơi, được ngả lưng trên giường và chìm vào giấc ngủ là điều thật tuyệt vời. Tuy nhiên, nếu ga trải giường của con bẩn thì rất có thể đó sẽ trở thành nơi trú ngụ của mạt bụi nhà. Theo một số ước tính, một người trung bình sẽ làm rơi khoảng 14g tế bào da chết mỗi tuần, và những tế bào này có thể sẽ rơi lại trên ga giường, trở thành nguồn thực phẩm nuôi sống mạt bụi nhà.
Chất thải và các mảnh mạt bụi nhà còn lưu lại trên ga giường có thể gây ra một số vấn đề như làm nặng thêm tình trạng eczema, dị ứng theo mùa, kích ứng da và nhiều vấn đề khác nữa. Để tránh tình trạng này, hãy đảm bảo giặt ga giường ít nhất một lần một tuần với nước ấm khoảng 60 độ C.
Silicon trong máy xay ăn dặm bị mốc
Đến tuổi con ăn dặm, máy xay là món đồ không thể thiếu. Tuy nhiên, nếu không vệ sinh đúng cách, một số bộ phận trong máy xay dễ bị nấm, mốc, mất an toàn khi sử dụng cho con. Ở hầu hết các loại máy xay, phần đế cối xay được bọc thêm silicon giúp máy hoạt động êm ái, đảm bảo chống rung và chống ồn tốt. Như vậy, chiếc máy xay vừa dễ sử dụng, vừa đảm bảo an toàn, giúp bạn yên tâm sử dụng trong mọi hoàn cảnh.
Tuy vậy, nhiều mẹ lại bỏ qua bước vệ sinh các bộ phận của máy xay khiến chúng bị mốc meo, đen kịt sau quá trình sử dụng dài. Nguyên nhân dẫn đến việc này có thể do môi trường ẩm, thiếu ánh sáng, không được vệ sinh đúng cách, thời gian sử dụng quá lâu…
Nấm mốc có thể sản xuất ra các chất độc hại gọi là mycotoxins có khả năng gây ra các phản ứng dị ứng và vấn đề hô hấp. Trẻ em tiếp xúc với mốc có thể gặp phải các triệu chứng như ho, hắt hơi, viêm mũi, đau họng, khó thở, nổi mẩn đỏ và các phản ứng dị ứng khác. Trường hợp nặng hơn, mốc có thể gây ra các vấn đề hô hấp mãn tính như hen suyễn hoặc các vấn đề về da. Để bảo vệ sức khỏe của trẻ, cần giữ cho môi trường sống sạch sẽ, khô ráo, thông thoáng và loại bỏ nguồn mốc một cách nhanh chóng và an toàn.
Vệ sinh và lau dọn thế nào để bảo vệ sức khỏe cho trẻ?
– Để vệ sinh đồ chơi trong nhà tắm cho trẻ em một cách an toàn và hiệu quả, bạn cần thực hiện theo các bước sau. Đầu tiên, hãy tập trung vào việc loại bỏ bụi bẩn và vi khuẩn bằng cách ngâm đồ chơi trong dung dịch nước ấm pha với một ít xà phòng nhẹ hoặc dung dịch tẩy rửa dành riêng cho đồ chơi trẻ em. Để đảm bảo đồ chơi không bị hư hỏng, hãy kiểm tra nhãn mác và hướng dẫn của nhà sản xuất trước khi làm sạch.
Sau đó, chà rửa nhẹ nhàng bằng bàn chải mềm hoặc khăn sạch để loại bỏ các vết bẩn cứng đầu. Kế tiếp, xả sạch đồ chơi dưới vòi nước ấm để loại bỏ hết bọt xà phòng. Cuối cùng, để đồ chơi trên khay hoặc giá để khô hoàn toàn trước khi trả lại cho trẻ chơi, tránh để đồ chơi ẩm mốc có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Nếu có thể, sử dụng dung dịch sát khuẩn để lau đồ chơi sau khi chúng đã khô để đảm bảo khử khuẩn tốt nhất. Hãy thực hiện việc vệ sinh này định kỳ để bảo vệ sức khỏe của trẻ.
– Việc vệ sinh rèm cửa và ga giường là rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe của trẻ em và ngăn chặn tình trạng ốm vặt. Đầu tiên, bạn nên đọc kỹ hướng dẫn của nhà sản xuất về cách giặt và bảo quản để tránh làm hỏng chất liệu. Thường xuyên hút bụi hoặc giũ rèm cửa và ga giường để loại bỏ bụi bẩn và alergen. Khi giặt, sử dụng nước ấm và chất tẩy rửa nhẹ, tránh sử dụng hóa chất mạnh có thể gây hại cho trẻ.
Nếu rèm cửa và ga giường có thể giặt bằng máy, hãy chọn chế độ giặt nhẹ và nước giặt dành cho da nhạy cảm. Sau khi giặt, phơi chúng nơi thoáng đãng để khô hoàn toàn trước khi sử dụng lại. Đối với rèm cửa, bạn có thể cần là chúng khi còn hơi ẩm để giữ hình dáng đẹp. Ngoài ra, việc lau sạch và khử khuẩn định kỳ các bề mặt và đồ dùng khác trong phòng cũng góp phần làm giảm nguy cơ mắc bệnh cho trẻ.
– Để vệ sinh máy ăn dặm và phần silicon đúng cách tránh bị mốc, hãy làm theo các bước sau. Trước tiên, tháo rời các bộ phận của máy ăn dặm có thể tách rời, bao gồm cả phần bằng silicon. Sử dụng nước ấm pha với một chút xà phòng nhẹ để ngâm và làm sạch các bộ phận. Đối với phần silicon, hãy chắc chắn rằng bạn làm sạch kỹ lưỡng để loại bỏ mọi mảnh thức ăn nhỏ có thể mắc kẹt. Bạn có thể sử dụng bàn chải mềm hoặc bông lau để chà xát nhẹ nhàng và tiếp cận mọi ngóc ngách.
Sau khi chà rửa, xả các bộ phận bằng nước sạch để loại bỏ hết bọt xà phòng. Đối với việc làm khô, hãy để các bộ phận trên một khay hoặc giá phơi có không gian thoáng khí để chúng khô tự nhiên hoặc bạn có thể sử dụng khăn sạch để lau khô. Chú ý đảm bảo rằng phần silicon và các bộ phận khác phải được làm khô hoàn toàn trước khi lắp ráp lại để ngăn chặn sự phát triển của nấm mốc.
Nếu máy ăn dặm và phần silicon có thể chịu nhiệt độ cao, bạn có thể tiệt trùng bằng cách đun sôi hoặc sử dụng máy tiệt trùng đặc biệt dành cho đồ sơ sinh và trẻ nhỏ. Nên thực hiện việc vệ sinh này thường xuyên sau mỗi lần sử dụng để đảm bảo an toàn và vệ sinh cho bé.