Chia sẻ với Health Digest, tiến sĩ Alexandra Kharazi, bác sĩ phẫu thuật tim mạch, Giám đốc điều hành và Người sáng lập của Heart of Motivation Consulting (Mỹ), cho biết những người có nhóm máu khác O có thể ảnh hưởng đến quá trình đông máu và viêm nhiễm.
“Những nhóm máu này có liên quan đến mức độ cao hơn của một loại protein đông máu gọi là yếu tố Von Willebrand, có khả năng làm tăng nguy cơ tắc nghẽn động mạch tim”, chuyên gia này chia sẻ.
Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA), sự phát triển cục máu đông nghiêm trọng dễ thấy hơn ở những người có các nhóm máu không phải O (mặc dù nhóm máu AB chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng). Các cục máu đông có thể dẫn đến bệnh tim nghiêm trọng và thậm chí tử vong.
Đông máu là cơ chế cần thiết của cơ thể. Tuy nhiên, đông máu quá nhiều cũng là một vấn đề. Theo AHA, khi máu bắt đầu hình thành quá nhiều cục máu đông, chúng có thể khiến máu khó di chuyển trong cơ thể. Và nếu cục máu đông bị lỏng ra, nó có thể di chuyển trong dòng máu và gây ra cơn đau tim.
Trước đó, một nghiên cứu năm 2017 được đăng trên tạp chí Tim mạch châu Phi cho biết những người có nhóm máu khác O có nguy cơ gặp phải các biến chứng tim mạch cao hơn, bao gồm đột quỵ, suy tim và đau tim. Kết quả của nghiên cứu cho thấy việc có nhóm máu khác O có liên quan đến nguy cơ mắc biến cố mạch vành tăng 9% và nguy cơ mắc các biến cố tim mạch tăng 9%, đặc biệt là nhồi máu cơ tim. Đây có thể là dữ liệu có ý nghĩa nếu bạn thuộc nhóm máu A, B hoặc AB.
Tuy vậy, điều này không có nghĩa người thuộc nhóm máu A, B hoặc AB sẽ bị đau tim. Tiến sĩ Kharazi lưu ý bất kể có nhóm máu nào, bạn có thể giảm thiểu nguy cơ phát triển bệnh tim mạch bằng cách tập trung vào các thói quen tốt cho tim.
Lối sống tạo ra sự khác biệt lớn nhất, bất kể nhóm máu là gì. Tùy thuộc vào lối sống, bạn có thể giảm nguy cơ đau tim. Ví dụ, chế độ ăn uống cân bằng có nhiều trái cây, rau và protein nạc là phương pháp mà tiến sĩ Kharazi khuyến nghị để bảo vệ hệ thống tim mạch. Ngoài ra, ngay cả một sự gia tăng nhỏ trong hoạt động thể chất cũng có thể có ảnh hưởng lớn đến trạng thái hệ thống tim mạch.
Trong đánh giá năm 2019 về Thuốc oxy hóa và Tuổi thọ tế bào đăng trên Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH), các tác giả đã xác định 40 phút hoạt động thể chất vừa phải đến cường độ cao 3-4 lần mỗi tuần có thể tạo ra sự khác biệt về nguy cơ đau tim. Nghiên cứu cho thấy bất kỳ bài tập nào cũng tốt hơn là không tập thể dục và bài tập đó phải được cá nhân hóa để đảm bảo tính liên tục của nó.
Cuối cùng, tránh hút thuốc hoặc lên kế hoạch bỏ thuốc. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, hút thuốc góp phần gây ra khoảng 25% tổng số ca mắc bệnh tim mạch. Nó cũng làm tăng nguy cơ bị đau tim gấp 4 lần so với người không hút thuốc.