Chủ Nhật, Tháng mười một 24, 2024
spot_img
HomeLàm Cha MẹNhững dấu hiệu băng huyết sau sinh không nên xem nhẹ

Những dấu hiệu băng huyết sau sinh không nên xem nhẹ


Băng huyết sau sinh là gì?

Trước khi tìm hiểu về các dấu hiệu băng huyết sau sinh, chúng ta cũng cần hiểu rõ về hiện tượng này ở sản phụ. Đây là tình trạng mà đường sinh dục của mẹ bị chảy máu liên tục trong 24 giờ sau khi sinh. Với một lượng máu hơn 500ml hoặc hơn 1% máu của cơ thể. Dựa vào thống kê, trung bình mỗi năm trên thế giới sẽ có khoảng 515.000 phụ nữ bị tử vong khi mang thai, sinh nở. Riêng số lượng người gặp tình trạng băng huyết sau sinh có thể lên đến hơn 100.000 người. Riêng ở Việt Nam, tỷ lệ người băng huyết sau sinh chiếm khoảng 3% – 8%, vậy bị băng huyết có nguy hiểm không? Trên thực tế, đây là nguyên nhân gây ra tình trạng tử vong cao nhất ở sản phụ.


Băng huyết sau sinh là tình trạng đường sinh dục của mẹ chảy máu trong 24 giờ sau khi sinh – Ảnh minh họa: Internet

Nguyên nhân băng huyết sau sinh

Hiện tượng băng huyết sau sinh có nhiều nguyên nhân, trong đó phổ biến nhất có thể kể đến gồm những nguyên nhân sau:

  • Đờ tử cung: Đây được xem là nguyên nhân phổ biến và thường gặp nhất, khiến cho sản phụ gặp triệu chứng băng huyết sau sinh. Những nguyên nhân bị đờ tử cung có thể là chất lượng tử cung kém do tử cung của bà mẹ đã trải qua sinh nở nhiều lần, cơ thể bị u xơ tử cung, tử cung dị dạng.
  • Tử cung căng: Tình trạng này là do sản phụ phải trải qua việc sinh đôi, sinh ba hoặc là do thai lớn, lượng nước ối quá nhiều.
  • Sản phụ gặp hiện tượng nhiễm trùng ối, thời gian chuyển dạ lâu, thai phụ bị chứng thiếu máu, suy nhược.
  • Sản phụ mắc chứng rối loạn đông máu, mang thai lúc tuổi quá lớn (thường sau 35 tuổi), người từng mắc tiền sử bị băng huyết sau sinh, hoặc là do mắc chứng u xơ tử cung.
  • Gặp sự cố bất thường của bánh nhau: Với những trường hợp sản phụ có nhau bám thấp, hay nhau cài răng lược thường sẽ có xu hướng bị chảy máu nhiều sau khi sinh. Ngoài ra, nếu diện tích của bánh nhau lớn, khi bong gây ra chảy máu nhiều, từ đó có dấu hiệu băng huyết sau sinh.
  • Bị tổn thương ở đường sinh dục: Âm đạo, tử cung bị vỡ, rách cũng có thể là nguyên nhân gây ra băng huyết sau sinh, kể cả khi sinh đẻ thường. Đây là dấu hiệu biến chứng của việc khó đẻ, cần có sự can thiệp thủ thuật. Một vài trường hợp khác có thể kể đến như: đẻ rơi, đẻ nhanh cũng gây ra tổn thương đến sinh dục.
  • Rối loạn đông máu: Rối loạn đông máu xảy ra trong những trường hợp như nhau thai bong non, nhiễm trùng, thai lưu,…Tùy vào mức độ bị mất máu và phục hồi sức khỏe mà việc bị băng huyết sau sinh sẽ gây ra các biến chứng nặng, nhẹ khác nhau.

Những dấu hiệu băng huyết sau sinh

Những dấu hiệu của băng huyết sau sinh có thể bao gồm:

Sản phụ bị chảy máu không thể kiểm soát: Chảy máu ở đường sinh dục ngay sau sinh. Lượng máu bị chảy ra ngoài nhiều hoặc ít, máu có màu đỏ tươi hay đỏ bầm, máu vón cục hoặc loãng. Máu chảy ứ ở trong buồng tử cung, làm cho tử cung bị tăng thể tích, đáy tử cung cũng lên cao dần, to ra theo chiều ngang và mềm nhão.


Dấu hiệu của băng huyết sau sinh, sản phụ bị chảy máu không thể kiểm soát – Ảnh minh họa: Internet
  • Huyết áp suy giảm
  • Nhịp tim có dấu hiệu tăng lên, da bị tái xanh nhợt và khát nước
  • Chân tay bị lạnh và đổ mồ hôi nhiều
  • Giảm lượng hồng cầu
  • Sưng, đau ở vùng âm đạo, các khu vực gần đó nếu bị chảy máu là do ảnh hưởng của tụ máu
  • Không nhìn thấy khối cầu an toàn ở trên xương vệ.

Biến chứng khi bị băng huyết sau sinh

Khi sản phụ có những dấu hiệu của việc bị băng huyết sau khi sinh sẽ gây ra những biến chứng thế nào với sức khỏe? Tùy vào mức độ bị mất máu và hồi sức, cầm máu, hiện tượng băng huyết sau khi sinh có thể gây nhiều biến chứng khác nhau như: choáng váng do bị giảm thể tích tuần hoàn, dẫn đến suy thận, gặp hiện tượng suy đa cơ quan, nghiêm trọng hơn là gây tử vong. Băng huyết cũng là yếu tố gây ra nhiễm trùng hậu sản.

Biến chứng lâu dài của việc bị băng huyết sau khi sinh gồm: thiếu máu, bị viêm tắc tĩnh mạch, sản phụ gặp phải hội chứng Sheehan (do bị hoại tử tuyến yên, từ đó dẫn đến việc bị suy nhược cơ thể, gầy, mất sữa và vô kinh), thậm chí là không thể có thêm con nếu trường hợp thai phụ phải cắt tử cung.

Phòng ngừa hiện tượng băng huyết sau sinh

Để giảm dấu hiệu băng huyết sau sinh cũng như tử vong do bị băng huyết. Sản phụ trước khi sinh, nên dự phòng trước những trường hợp sinh nở. Một vài nguyên tắc cần nhớ:

  • Tránh việc chuyển dạ kéo dài bằng cách thường xuyên theo dõi quá trình chuyển dạ. Trên monitoring, các cơn gò tử cung, nhịp tim thai, sự xóa mở ở phần cổ tử cung.
  • Tiêm oxytocin (10 IU) để phòng ngừa hiện tượng bị băng huyết sau khi sinh.
  • Phòng ngừa biến chứng bị nhiễm trùng ối bằng việc dùng thuốc kháng sinh, cần dứt thai kỳ sớm.
  • Sử dụng các loại thuốc gây tê, mê hay giảm đau trong chuyển dạ cần phải có sự giám sát chặt chẽ của bác sĩ chuyên khoa
  • Điều chỉnh chứng rối loạn đông máu (nếu có) dựa vào các xét nghiệm đông máu, lượng tiểu cầu, hỏi kỹ về tiền căn của các bệnh lý về máu. Tốt nhất, sản phụ nên khám chuyên khoa để có hướng trị tích cực.

Điều chỉnh chứng rối loạn đông máu để tránh hiện tượng băng huyết khi sinh – Ảnh minh họa: Internet
  • Không thực hiện những thủ thuật giúp dễ sinh nếu không được sự chỉ định rõ ràng.
  • Tìm hiểu kỹ nguyên nhân, xử trí ngay những trường hợp có các cơn gò cường tính hay cơn gò yếu. Không thuận lợi thì nên mổ lấy thai nhằm đảm bảo an toàn cho sản phụ và bé.
  • Phụ nữ cần phải lập kế hoạch mang thai để có thời gian hồi phục sức khỏe, nuôi con tốt
  • Khi mang thai, sản phụ cần phải thường xuyên khám thai định kỳ. Bác sĩ chuyên khoa sẽ cung cấp thuốc sắt, acid folic trong suốt giai đoạn thai kỳ nhằm phòng ngừa tình trạng thiếu máu ở sản phụ. Điều này giúp cho hiện tượng bị băng huyết sau khi sinh nếu có xảy ra cũng sẽ ít gây những biến chứng nặng hơn, nguy hiểm đến sức khỏe.
  • Nên theo dõi sản phụ thật sát ít nhất là 6 giờ đồng hồ sau sinh để có thể kịp thời phát hiện khi thấy sản phụ có những dấu hiệu băng huyết sau sinh, qua đó tìm ra nguyên nhân cũng như để có hướng xử lý kịp thời, đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.

Có thể nói, bên cạnh việc tiềm ẩn nguy cơ bị tử vong cao cho sản phụ, hiện tượng băng huyết sau khi sinh còn gây nhiều di chứng thứ phát quan trọng khác cho phụ nữ như hội chứng bị suy hô hấp với người trưởng thành, đông máu nội mạch lan tỏa, bị suy thận cấp, hay mất khả năng sinh sản, hoại tử ở tuyến yên. Vì thế, khi có các dấu hiệu băng huyết sau sinh, người nhà và sản phụ cần phải hết sức cảnh giác.

Trên đây là một vài thông tin về hiện tượng cũng như dấu hiệu băng huyết sau sinh mà thai phụ sắp bước vào giai đoạn chuyển dạ cần lưu ý để có thể hạn chế rủi ro cũng như biến chứng có thể gặp phải nếu gặp tình trạng này. Thực tế, đây là một trong những hiện tượng khá nguy hiểm và có thể gây tử vong ở sản phụ, cần phải có sự can thiệp và xử lý kịp thời. Kể cả khi chọn phương pháp sinh mổ thì sản phụ vẫn có thể gặp hiện tượng này. Vì thế, cần có sự theo dõi sát của người nhà lẫn bác sĩ chuyên khoa trong quá trình chuyển dạ và sinh nở.



Theo Tạp chí Gia đình Việt Nam

Bài viết liên quan

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

- Advertisment -spot_img

Bài viết mới

Recent Comments