Phương pháp ăn dặm kiểu Nhật là phương pháp phổ biến hiện nay được nhiều mẹ lựa chọn cho bé trong giai đoạn ăn dặm. Nước dashi là một trong những loại nước dùng không thể không nhắc đến trong thực đơn ăn dặm kiểu Nhật. Vậy nước dashi dùng để làm gì? Cách nấu nước dashi cho bé ăn dặm như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây để giúp mẹ giải đáp được các thắc mắc trên và có được chế độ ăn dặm hợp lý cho bé.
Nước dashi dùng để làm gì ?
Nước dashi là tên gọi chung của các loại nước dùng trong ẩm thực Nhật Bản, bao gồm rất nhiều loại như: nước dashi làm từ rau củ, nước dashi làm từ rong biển kombu, nước dashi làm từ xương gà… Tùy theo từng món ăn mà người Nhật sử dụng nhiều loại nước dashi khác nhau để mang lại hương thơm đặc trưng và vị ngon đậm đà cho món ăn.
Trong giai đoạn cho bé ăn dặm, khi chưa nêm gia vị vào món ăn cho trẻ, thì nước dashi là một lựa chọn rất an toàn, vừa giúp bổ sung chất khoáng vừa mang lại hương thơm hấp dẫn cho món ăn.
Bên cạnh đó, trong giai đoạn trẻ dưới 12 tháng tuổi các mẹ cần lưu ý không nên sử dụng nước dashi quá đậm đặc để đảm bảo không gây hại cho hệ tiêu hóa của trẻ.
Ngoài ra, các bác sĩ chuyên khoa nhi tại Nhật Bản nhấn mạnh rằng, các loại nước dùng không thể thay thế chất dinh dưỡng từ thực phẩm như: rau củ, thịt cá, rong biển thật. Nước dùng dashi tuy tạo hương vị thơm ngon cho món ăn nhưng thành phần dinh dưỡng là rất ít, đặc biệt là nước dùng từ cá và rau củ. Vì vậy, các mẹ vẫn cần bổ sung cá, thịt và rau củ vào chế độ ăn cho bé, không nên chỉ cho bé ăn cháo với nước dùng.
Hướng dẫn cách nấu nước dashi cho bé ăn dặm
Có nhiều loại nước dùng dashi được chế biến từ nhiều nguyên liệu khác nhau. Hãy cùng tham khảo dưới đây 2 cách nấu nước dùng dashi phổ biến nhất được nhiều mẹ lựa chọn áp dụng trong chế độ ăn dặm của bé.
Cách nấu nước dùng dashi rau củ
Dashi rau củ là một trong những loại nước dùng phổ biến thường được nhiều mẹ lựa chọn trong chế độ ăn dặm của bé. Các mẹ chỉ cần lựa chọn những loại rau củ không tạo vị đắng, chát là có thể làm được nước dùng dashi cho bé. Ngoài ra, có thể tận dụng nước luộc rau củ (cải ngọt, cà rốt, cải thảo, su su…) của gia đình để làm nước dùng nấu món ăn cho bé.
Trong nước dùng có vị ngọt tự nhiên từ rau củ nên sẽ góp phần tạo hương vị mới và giúp bé ăn ngon hơn.
Cách làm
- Các mẹ nên lựa chọn rau củ quả có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, sau đó rửa sạch và thái khúc. Tùy theo sở thích của bé, mẹ có thể chọn các loại rau củ quả khác nhau như su su, mướp, bí xanh, cà rốt, khoai tây, ngô, bắp non, súp lơ… để tạo nhiều hương vị khác nhau cho bé.
- Cứ 250g rau củ quả tươi mẹ sẽ cho khoảng 800ml nước và có thể tăng lượng nước tùy theo số lượng rau củ. Cho rau củ và nước vào nồi nấu trong khoảng 20 phút đến khi rau củ chín mềm là được. Sau đó tắt bếp, lấy rau củ quả đã chín ra nghiền hoặc rây cho bé ăn, phần nước còn lại chính là nước dùng dashi để nấu cháo cho bé.
Cách nấu nước dùng dashi với rong biển kombu và cá ngừ bào khô
Nguyên liệu chuẩn bị
- Rong biển kombu: 20g.
- Cá ngừ bào khô: 40g.
- Nước: 2 lít.
Cách làm
- Bước 1: Dùng khăn đã thấm nước rồi lau qua miếng rong biển kombu. Sau đó, cho rong biển vào nước ngâm khoảng 30 phút.
- Bước 2: Cho nước và rong biển vào nồi, đun sôi khoảng 5 phút rồi vớt rong biển ra. Lưu ý, các mẹ không nên đun lâu vì sẽ làm nước dashi bị đắng.
- Bước 3: Cho cá ngừ bào khô vào nồi nước đang sôi, nấu cho đến khi cá chìm hết xuống đáy nồi thì tắt bếp.
- Bước 4: Sử dụng một rây lọc để lọc nước dashi. Lưu ý khi lọc, các mẹ nên để nước chảy xuống tự nhiên, không nên vắt vì có thể làm nước dùng bị đắng và lẫn những mảnh vụn nhỏ rong biển hoặc cá bào.
Nước dùng dashi thường sẽ được cho vào nấu cùng với cháo ăn dặm của các bé. Bên cạnh đó, đối với các bé trên 1 tuổi đã có thể ăn cơm thì mẹ có thể nấu nước dùng dashi chung với rau củ hoặc thịt/ cá và cho dùng kèm với cơm.
Nước dashi từ tảo bẹ và cá bào
Mẹ chuẩn bị khoảng 500ml nước lọc, 2 miếng tảo bẹ và ½ vắt cá ngừ bào khô (khoảng 10g).
Cách chế biến như sau:
- Lau sạch lá tảo bẹ khô bằng khăn ẩm, không nên rửa vì lớp phấn bám trên bề mặt có chứa rất nhiều chất dinh dưỡng hoặc mẹ có thể ngâm lá tảo bẹ vào nước sạch trong vòng 15-20 phút để lá nở ra (nếu như có thời gian chuẩn bị).
- Tiếp đến, bạn cho lá tảo bẹ đã cắt khúc vào nồi đun ở lửa vừa tầm 60-90 độ C. Nếu nhiệt độ thấp hoặc cao hợp khung trên thì nước dashi sẽ có vị tanh và mất ngon.
- Mẹ đặt nồi nước lên bếp và trông cẩn thận, khi thấy thành nồi xuất hiện các hạt bong bóng thì lúc này nhiệt độ đã lên tới 60 độ C và ngay trước khi bắt đầu sôi là 90 độ C, mẹ vặn nhỏ lửa tối đa.
- Tiếp tục đun sôi và ninh nhỏ lửa thêm khoảng 8-10 phút nữa là được, sau đó mẹ cho cá bào vào đun thêm khoảng 3-5 phút rồi tắt bếp.
- Dùng rây lọc lấy nước là đã có một loại nước dashi tuyệt vời cho bé ăn dặm. Mẹ có thể tận dụng bã cá bào để tráng trứng, còn rong biển đã ninh thì thái nhỏ để chế biến món salad thơm ngon, lạ miệng cho cả gia đình.
Nước dashi củ quả ninh xương
Mẹ chỉ cần dùng 1 bó cần tây (chỉ lấy phần thân), 1 củ hành tây, 1 củ cà rốt và xương củ.
Mẹ rửa sạch xương rồi để ráo, sau đó chần qua với nước sôi rồi rửa lại. Tiếp theo cho xương vào nồi vặn to lửa đến khi sôi nhanh rồi vớt sạch bọt. Sau đó, mẹ tiếp tục cho các loại rau củ đã rửa sạch và thái miếng vào. Khi nồi sôi, mẹ vặn nhỏ lửa để đỡ mất chất và chất ngọt ra hết. Đun cho đến khi nhừ rồi lọc lấy nước là sẽ có món nước dashi bổ dưỡng cho trẻ.
Như vậy, Cách nấu nước dashi rau củ cũng rất đơn giản phải không?
Cách nấu nước dashi từ mía
Việc sử dụng nước dashi từ mía rất tốt cho sức khỏe của trẻ. Cụ thể:
- Thanh nhiệt, giải độc và giữ ấm cho cơ thể.
- Giúp trẻ đẩy lùi cảm cúm cũng như viêm họng.
- Kháng được các loại virus, chống dị ứng và phòng chống bệnh tiểu đường xuất hiện.
- Tăng cường hệ miễn dịch của trẻ.
Cách làm nước dashi từ mía cũng vô cùng đơn giản thôi.
- Đầu tiên, mẹ chỉ cần mua mía về rồi cắt khúc với độ dài của từng cây vừa với nồi.
- Sau đó bắc bếp, luộc mía cho tới khi chúng tiết ra nước ngọt.
- Tiếp đó hãy với bỏ cây mía ra và đợi cho nước nguội thì cho vào khay để đông và bảo quản lạnh dùng dần.
Bên cạnh mía, các mẹ cũng hoàn toàn có thể kết hợp cùng với các loại nguyên liệu khác bao gồm: su su, cà rốt, su hào, đậu xanh, hạt sen… Các nguyên liệu này mẹ nên cho vào đun sau khi đã vớt bỏ mía ra khỏi nồi.
Cách nấu nước dashi gà
Nước dashi gà phù hợp cho các bé ăn dặm từ 7 tháng tuổi trở lên. Loại nước này cung cấp bột đường, vitamin, chất đạm, chất béo cũng như các khoáng chất cho cơ thể của trẻ. Từ đó giúp con có được một bữa ăn dinh dưỡng.
Nguyên liệu để làm nước dashi gà gồm:
- 1 con gà.
- Nước lọc.
- 2 đến 4 củ cà rốt.
- 1 củ hành tây.
- 1 củ gừng.
Cách làm như sau:
- Gà mua về rửa sạch sau đó lọc lấy phần thịt bên ngoài để lại phần xương để nấu nước dùng.
- Các loại nguyên liệu rau củ mua về bạn sơ chế gọt vỏ, rửa sạch và thái nhỏ.
- Cho vào nồi cùng với xương gà. Đổ nước sao cho ngập các nguyên liệu trong nồi và bật bếp. Chỉ hầm gà trên lửa nhỏ liu riu. Trong quá trình đun, mẹ hãy vớt bỏ váng và bọt ở phía trên. Đun khoảng từ 2 đến 5 tiếng là được. Càng đun lâu nước sẽ càng ngon và ngọt.
Cách sử dụng nước dashi cho bé ăn dặm
Các loại nước dashi thường được dùng để nấu cùng với cháo ăn dặm cho các bé. Đối với trẻ nhỏ trên 1 tuổi đã biết ăn cơm cứng thì các mẹ có thể nấu nước dùng dashi cùng với rau củ, cá, thịt và cho bé ăn kèm với cơm.
Nhiều mẹ lo lắng rằng họ không có nhiều thời gian để mỗi ngày đều chế biến nước dùng dashi, điều này chị em đừng quá bận tâm. Các loại nước dùng dashi từ kombu rong biển cá ngừ bào khô hay nước dùng từ rau củ sau khi chế biến xong vẫn có thể cho vào khay đá, bảo quản khăn đông tủ lạnh và dùng dần.
Tuy nhiên, có một lưu ý là nước dùng dashi càng bảo quản lâu bằng phương pháp này sẽ càng bị mất vị thơm ngon. Vì thế, các mẹ nên nấu làm sao để dùng vừa đủ trong vòng 5 – 7 ngày để đảm bảo hương vị thơm ngon và không mất chất dinh dưỡng cho món ăn của bé. Có một mẹo nhỏ là khi chế biến nước dashi, các mẹ nên cho vào các khay đá hoặc các hũ nhỏ và trữ đông, mỗi lần cần dùng chỉ cần rã đông 1 hũ nhỏ.
Có 2 cách chế biến cháo từ nước dùng dashi. Cách thứ nhất nếu các mẹ trữ đông thịt cá thì sau khi rã đông các mẹ có thể cho thịt cá, cháo cùng nước dùng dashi đun cách thủy chừng 5 – 7 phút đến khi tất cả nguyên liệu rã đông và sôi thêm chừng 1-2 phút là các bé có thể dùng được.
Đối với cách thứ hai, nếu như mẹ chỉ trữ đông nước dashi riêng, khi nấu các mẹ cho thêm vào cháo từ 20ml – 30ml tuỳ theo độ đặc loãng của cháo để tăng khẩu vị cho bé. Nước dashi cũng có thể xem là gia vị khi cho vào món ăn của bé giúp vị đậm đà hơn, nên mẹ không nên cho quá nhiều vào cháo của bé. Nước dùng dashi bên cạnh tác dụng giúp điều chỉnh độ đặc loãng cho món ăn thì chúng còn rất bổ dưỡng và đảm bảo cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho bé.
Những điều mẹ cần lưu ý về phương pháp cho bé ăn dặm kiểu Nhật
Mỗi đứa trẻ sẽ có những đặc điểm riêng về thể trạng, sức khỏe cũng như tính cách nên không phải bé nào cũng phù hợp với phương pháp ăn dặm kiểu Nhật. Một điểm nữa là các mẹ Nhật Bản thường chỉ làm nội trợ nên có nhiều thời gian để chăm chút từng bữa ăn cũng như lên từng thực đơn riêng cho bé.
Trong khi đó, các mẹ Việt thường vất vả hơn, không có nhiều thời gian, có mẹ vừa phải chăm con vừa đi làm hay buôn bán nên lựa chọn cách cho con ăn dặm kiểu nào cũng cần linh hoạt và không nên chỉ áp dụng một phương pháp trong thời gian dài.
Việc ăn cháo trong giai đoạn đầu ăn dặm có thể khiến hệ tiêu hóa của bé chưa kịp thích nghi, bé không ăn được nhiều nên dễ chững cân hoặc tăng cân ít, lâu ngày cơ thể bé sẽ chậm phát triển, trí não cũng kém linh hoạt. Cho bé ăn cháo mà không nêm nếm cũng khiến bé chán ăn làm các mẹ cũng vất vả hơn trong việc cho bé ăn.
Vì thế, nước dùng dashi vừa là giải pháp giúp tạo vị ngọt cũng như hương thơm đa dạng cho món cháo, vừa bổ sung các dưỡng chất cần thiết, giúp bé không bị thiếu chất trong giai đoạn đầu dùng thức ăn ngoài sữa mẹ hay sữa công thức.
Các mẹ cũng cần lưu ý lựa chọn nguyên liệu tươi ngon, hợp vệ sinh để đảm bảo hệ tiêu hóa của trẻ thích nghi tốt với chế độ ăn dặm. Không nên cố dùng quá nhiều loại rau củ quả hay thịt cá trong một nồi nước dùng dashi hoặc cho lượng nước dùng vào cháo quá nhiều. Các mẹ cũng nên tránh việc dùng các loại hải sản dễ gây kích ứng với cơ thể trẻ nhỏ để nấu nước dùng dashi.
Lưu ý cách rã đông nước dashi khi bảo quản
- Khi bảo quản nước dùng dashi hoặc các thực phẩm ăn dặm khác cho bé, mẹ cần lưu ý không rã đông ở nhiệt độ phòng, vì nguy cơ nhiễm khuẩn của thực phẩm sẽ rất cao.
- Ngoài ra, không nên cấp đông lại những thức ăn dặm đã rã đông, vì như thế thức ăn sẽ giảm mùi vị và chất dinh dưỡng trong thực phẩm không được đảm bảo.
- Bên cạnh đó, mẹ cần kiểm tra ngày tháng ghi khi trữ đông thức ăn, để biết hạn dùng của các loại thực phẩm này.
Như vậy, việc cho bé dùng nước dashi trong giai đoạn ăn dặm sẽ tạo được nhiều hương vị khác nhau cho món ăn giúp bé ăn ngon và hấp thụ được nhiều chất dinh dưỡng. Hy vọng qua bài viết trên, sẽ giúp các mẹ giải đáp được thắc mắc nước dashi dùng để làm gì cũng như một số cách nấu nước dùng dashi cho bé ăn ngon và phát triển tốt hơn.