Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024
spot_img
HomeTin mớiNước mắm truyền thống sẽ biến mất nếu bắt buộc sử dụng...

Nước mắm truyền thống sẽ biến mất nếu bắt buộc sử dụng muối I-ốt?


Mới đây, Bộ Y tế gửi Bộ Tư pháp thẩm định hồ sơ “Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 09/2016/NĐ-CP về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm” (dự thảo sửa đổi). Đáng chú ý, dự thảo sửa đổi vẫn giữ nguyên quy định bắt buộc “Muối dùng để ăn trực tiếp, dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường I-ốt; Bột mì dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm”.

8 năm vẫn chưa giải quyết được 7 quan ngại của DN

Theo cộng đồng doanh nghiệp (DN) thực phẩm, lợi ích sức khỏe thực tế mà người dân nhận được từ chính sách này chưa rõ ràng nhưng lại tác động nghiêm trọng đến sự phát triển của DN cũng như ngành hàng thực phẩm Việt Nam.

Do đó, gần tám năm qua, kể từ khi Nghị định 09/2016 có hiệu lực, Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM (FFA), Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, Hiệp hội Thực phẩm Minh Bạch Việt Nam, Hội Sản xuất Nước mắm TP. Phú Quốc liên tục kiến nghị cần sửa đổi Nghị định 09 theo hướng khuyến khích bổ sung DN sử dụng vi chất trong chế biến thực phẩm.

Vì vậy, năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 19-2018/NQ-CP (Nghị quyết 19), trong đó yêu cầu Bộ Y tế nghiên cứu, sửa đổi và bổ sung Nghị định 09/2016 theo hướng khuyến khích DN chế biến thực phẩm bổ sung vi chất nhằm tháo gỡ khó khăn, bất cập của chính sách này. Đây là chỉ đạo thể hiện quyết tâm của Chính phủ, hỗ trợ DN vượt qua các thách thức trong thực hiện quy định.

Đặc biệt, từ tháng 7 đến tháng 11, năm Hiệp hội, Hội ngành hàng liên tiếp gửi nhiều văn bản tới lãnh đạo Bộ Y tế, Vụ Pháp chế, Ban soạn thảo, góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi và kiến nghị mở rộng phạm vi đánh giá tác động chính sách… trước khi trình Bộ Tư pháp và Chính phủ.

Đại diện các hiệp hội ngành hàng cho rằng, đến nay dự thảo Nghị định sửa đổi vẫn duy trì các yêu cầu bắt buộc, không đưa ra nội dung mới có tính chất điều chỉnh theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 19 khiến các khó khăn 8 năm qua vẫn chưa được giải quyết.

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực – Thực phẩm TP. HCM (FFA) cho biết, trong báo cáo đánh giá, Bộ Y tế dựa vào kết quả khảo sát từ 20/21 DN để kết luận việc bổ sung vi chất vào thực phẩm là cần thiết cho sức khỏe cộng đồng.

“Chúng tôi cho rằng việc chỉ lấy ý kiến 20 DN là thiếu cơ sở, không phản ánh đúng thực trạng của hơn 5.000 DN trong ngành. Các Hiệp hội kiến nghị Bộ Y tế cần triển khai khảo sát rộng hơn, đánh giá quy mô với nội dung bao quát đầy đủ cả bảy vấn đề quan ngại đã được nêu ra”- bà Chi phân tích.

Bên cạnh đó, tại các báo cáo tổng hợp, tiếp thu giải trình ý kiến góp ý của các bộ ngành, DN, Bộ Y tế lập luận hàm lượng I-ốt hao hụt 20%-30% sau chế biến, lưu thông và dựa trên các sản phẩm như cá lên men, nước mắm làm từ cá biển, rau củ quả muối chua vẫn “có thể chấp nhận được” và đảm bảo “đủ ý nghĩa dinh dưỡng” khi lượng I-ốt ban đầu đạt chuẩn. Từ đó, để yêu cầu bắt buộc bổ sung I-ốt cho tất cả thực phẩm chế biến là thiếu cơ sở, chưa đủ thuyết phục, không phản ánh được sự đa dạng các mặt hàng ngành thực phẩm.

Cụ thể, kết quả các kiểm nghiệm sản phẩm thành phẩm tại những trung tâm kiểm nghiệm uy tín như SGS, Quatest 3 do DN cung cấp khẳng định I-ốt gần như biến mất hoàn toàn trong một số nhóm sản phẩm như mì, hủ tiếu ăn liền, rau củ quả sấy khô, gia vị thịt hầm các loại… đặc biệt là các sản phẩm qua xử lý nhiệt độ cao.

Ngoài ra, tại báo cáo đánh giá bảy năm thực hiện Nghị định 09 trình Thủ tướng Chính phủ của Bộ Y tế nêu “Việc triển khai Nghị định 09 đã gặp nhiều ý kiến đề nghị tạm hoãn từ phía DN, vì phần nào làm gia tăng chi phí sản xuất và thêm yêu cầu kỹ thuật, ảnh hưởng đến lợi ích kinh doanh”.

Theo bà Chi, đây là sự hiểu nhầm nghiêm trọng về mục tiêu thực sự của các Hiệp hội, hội ngành hàng đang theo đuổi, đồng thời không phản ánh đủ bảy quan ngại lớn cộng đồng DN thực phẩm đã nêu trong nhiều kiến nghị gửi Bộ Y tế. “Việc chỉ tập trung vào đánh giá yếu tố chi phí phát sinh như cách làm hiện nay của Bộ chưa phản ánh đúng các khó khăn, trở ngại và tác động thực tế mà Nghị định 09 gây ra cho ngành”- bà Chi nhấn mạnh.


Quy trình ủ chượp nước mắm truyền thống được giới thiệu tại Lễ hội nước mắm truyền thống diễn ra tháng 10 tại TP.HCM. Ảnh: TÚ UYÊN

Cần phân loại đối tượng bổ sung vi chất

Góp ý về dự thảo Nghị định sửa đổi, Bộ Công thương cho biết, với điều kiện kinh tế phát triển hiện nay, người dân Việt Nam có khả năng tiếp cận đa dạng các nguồn dinh dưỡng.

Do đó, Bộ đề nghị Bộ Y tế cần đánh giá lại tình trạng sức khỏe cộng đồng do dư thừa vi chất để đưa ra phương án bổ sung phù hợp hơn, thay vì áp dụng đồng loạt. Đồng thời, đề nghị cân nhắc thực hiện theo chỉ đạo tại Nghị quyết 19 của Chính phủ là khuyến khích DN sử dụng vi chất trong chế biến thực phẩm.

Tương tự, theo Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), dự thảo Tờ trình cần có các căn cứ khoa học đầy đủ hơn để lý giải về việc không sửa đổi quy định bổ sung vi chất, cũng như xem xét kỹ lưỡng dữ liệu về tình trạng thiếu I-ốt trong cộng đồng có thật sự liên quan đến việc cần bổ sung I-ốt trong tất cả các loại thực phẩm hay không.

Đồng thời, đề nghị nên áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro, kinh nghiệm quốc tế để phân loại đối tượng, nhóm người nào và những loại thực phẩm nào cần được bổ sung vi chất. Như vậy, vừa đảm bảo những nhóm có nhu cầu dinh dưỡng sẽ nhận được lợi ích, trong khi những người đã đủ hoặc thừa vi chất không bị ảnh hưởng tiêu cực và không gây hại sức khỏe của nhóm này.

Bộ KH&CN cũng đề nghị xem xét tính khoa học của việc sử dụng dữ liệu về mối liên hệ với “muối I-ốt” (muối được bổ sung I-ốt trên thị trường, chủ yếu dùng trong nấu ăn hàng ngày) để ngoại suy, áp dụng cho tất cả thực phẩm đều phải bổ sung muối I-ốt.

Hơn nữa, Bộ Y tế xem xét bổ sung cơ sở khoa học đối với thông tin: “Việc bắt buộc tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm dùng cho cộng đồng không làm cho cơ thể người sử dụng dư thừa hoặc gây bệnh do thừa, kể cả đối với người dân sinh sống ở vùng không bị thiếu vi chất dinh dưỡng”.


Nước mắm truyền thống bày bán ở siêu thị. Ảnh: TÚ UYÊN

Đề xuất thực hiện đúng theo Nghị quyết 19

Cộng đồng DN thực phẩm đề xuất chỉ nên khuyến khích sử dụng muối có bổ sung I-ốt trong chế biến thực phẩm dùng cho tiêu dùng nội địa, khuyến khích tăng cường sắt và kẽm vào bột mì dùng trong chế biến thực phẩm đúng theo Nghị quyết 19.

Giải pháp này không chỉ giúp DN thực phẩm linh hoạt trong sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm có bổ sung và không bổ sung vi chất để đáp ứng tốt hơn nhu cầu đa dạng của thị trường, mà còn tôn trọng quyền lựa chọn sản phẩm phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng, sức khỏe cá nhân của người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, DN đề xuất khuyến khích sử dụng, giúp phòng tránh nguy cơ sức khỏe tiềm ẩn từ việc tiêu thụ quá mức vi chất, đặc biệt là các bệnh lý như cường giáp và ung thư tuyến giáp…

Ảnh hưởng đến di sản văn hóa phi vật thể quốc gia?

Bà Hồ Kim Liên, Chủ tịch Hội Sản xuất Nước mắm TP. Phú Quốc, cho biết Bộ Y tế chưa đánh giá đầy đủ tác động của quy định bổ sung I-ốt đối với sản xuất nước mắm truyền thống. “Quy định này đang làm mai một di sản văn hóa và phương thức sản xuất đặc trưng của nước mắm”, bà Liên nhấn mạnh.

Nước mắm truyền thống Việt Nam, đặc biệt là nước mắm Phú Quốc, đã trải qua hàng trăm năm với quy trình ủ chượp thủ công. Nguyên liệu chính là cá biển giàu I-ốt tự nhiên và muối hột không qua tinh chế. Đặc biệt, nước mắm truyền thống Phú Quốc đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và được EU bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Theo đó, chỉ được phép sử dụng muối biển và không được bổ sung bất kỳ chất nào khác.

Việc bổ sung I-ốt sẽ làm thay đổi màu sắc nước mắm, khiến sản phẩm không đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế. “Cộng đồng sản xuất nước mắm truyền thống rất lo lắng. Nếu bắt buộc sử dụng muối I-ốt, nước mắm truyền thống sẽ biến mất khỏi thị trường”, bà Liên bày tỏ.

Ông Trương Quang Hiến, Chủ tịch Hiệp hội nước mắm Phan Thiết, cũng cho rằng quy định bắt buộc bổ sung I-ốt vào muối trong sản xuất nước mắm truyền thống là bất hợp lý. “Từ xưa đến nay, chúng tôi chỉ dùng muối biển để ướp cá. Việc bổ sung I-ốt mà không có nghiên cứu khoa học sẽ giết chết cả ngành nước mắm truyền thống Việt Nam”- ông Hiến khẳng định.



Theo Tạp chí Gia Đình Việt Nam

Bài viết liên quan

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

- Advertisment -spot_img

Bài viết mới

Recent Comments