Ông Tô, Trung Quốc, năm nay 65 tuổi, có một cậu con trai hơn 30 tuổi. Con ông có công việc ổn định, lấy vợ từ 5 năm trước. Khi con trai mua nhà, vợ chồng ông Tô đã trả trước 2/3 số tiền, phần còn lại các con tự trả.
Giao hẹn là thế nhưng con trai ông luôn vay tiền bố mẹ để trả nợ nhà định kỳ. Nói là vay nhưng mãi không thấy trả. Vợ chồng ông Tô cũng ngại ngần không muốn đòi con. Sau đó nữa, con trai ông thường xuyên nhờ bố mẹ trông con giúp, rồi nhờ mua đồ này, đồ kia, toàn thứ đắt đỏ mà không bao giờ gửi tiền. Không chỉ vậy, nhiều lần vợ chồng ông Tô đưa đón cháu đi học, thấy cô giáo nhắc bố mẹ cháu chưa đóng tiền học, ông bà lại lấy tiền ra đóng.
Tháng trước, bà Tô bị ốm phải nằm viện. Lúc này, ông Tô mới phát hiện ra, tiền tiết kiệm suốt bao năm qua của ông đã bị con trai bòn rút gần hết. Khi ông Tô gọi điện bảo con trai đóng góp thêm tiền viện phí cho mẹ thì con ông tìm cách thoái thác, nói rằng mình dạo này cũng rất khó khăn.
“Bố mẹ vẫn còn tiền lương hưu hàng tháng mà”, con trai ông đáp.
Ảnh minh họa |
Sau khi tiêu gần hết số tiền tiết kiệm còn sót lại để đóng viện phí và mua đồ tẩm bổ cho vợ, ông Tô đã suy nghĩ rất nhiều. Chỉ trong ít ngày mà ông gầy rạc cả đi. Chỉ có một đứa con nên ông Tô rất yêu thương con. Tuy nhiên thay vì rèn cho con những phẩm chất tốt, biết sống tự lập, có trách nhiệm với gia đình thì vợ chồng ông lại nuông chiều, cung phụng cho con tiền bạc, vô tình khuyến khích con trai có thói “gặm nhấm” cha mẹ.
Thực tế, cha mẹ mong dùng tiền để giúp đỡ con mình nhiều nhất có thể, nhưng giúp đỡ quá mức chẳng khác nào phá hủy đôi cánh của con, khiến chúng không bao giờ tự lập được. Cha mẹ yêu thương nhưng không thể bao bọc con cái mãi được, nếu cứ chiều quá mức thì không chỉ hại con mà còn hại chính cha mẹ.
Nhìn vào tình cảnh hiện tại của mình, ông Tô nghẹn ngào cho rằng, nếu khi xưa con xin tiền, ông biết nói câu từ chối, yêu cầu con tự lập, tự làm việc chăm chỉ để lo cho gia đình riêng của mình, tự đáp ứng nhu cầu cá nhân thì có lẽ cuộc sống về già của ông sẽ rất yên bình, nhàn hạ.
Thực tế, nhiều cha mẹ không nỡ từ chối con, vì nghĩ việc từ chối là tàn nhẫn với con. Tuy nhiên, việc giáo dục con đôi khi phải “tàn nhẫn” ở nhiều khía cạnh. Sự “tàn nhẫn” đôi khi cho thấy tầm nhìn xa của cha mẹ và tình yêu mà cha mẹ dành cho con.
Bất kể cha mẹ có tiền hay không, cũng nên cố gắng tiết chế trong những năm cuối đời và không tiêu quá nhiều tiền không cần thiết cho con cái. Tiền nên dùng để giúp con cái trưởng thành và nuôi sống bản thân khi về già, đây mới là cách sử dụng tiền tốt nhất và cách dạy con sáng suốt nhất.