Thực tế, việc đi du lịch chính là một hình thức nghỉ ngơi, thư giãn kết hợp luyện tập thể lực phù hợp, giúp thai phụ khám phá những địa danh mới và có thời gian vui vẻ bên người thân. Sau khi sinh, người mẹ sẽ khó có thể đi du lịch trong một thời gian dài vì phải tập trung thời gian và sức lực để chăm sóc cho em bé.
Tuy nhiên, việc đi du lịch khi mang thai đòi hỏi phụ nữ phải chú ý hơn để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé.
Đi khám trước khi đi du lịch
Trước khi lên kế hoạch cho một chuyến du lịch xa, bà bầu tốt nhất nên đi khám thai, trao đổi và tham khảo ý kiến của bác sĩ sản khoa. Bác sĩ sẽ đánh giá tình hình sức khỏe của cả mẹ và thai nhi xem có phù hợp cho chuyến đi không và đồng thời đưa ra một vài nhắc nhở cần thiết với bà bầu khi đi du lịch.
Ảnh minh họa
Nên đi du lịch vào thời gian nào của thai kỳ?
Trong khoảng ba tháng đầu thai kỳ, phụ nữ không nên đi du lịch dài ngày do cơ thể thường dễ cảm thấy mệt hơn, đặc biệt với những người bị ốm nghén, mệt mỏi hoặc hay say tàu xe.
Thời gian thích hợp nhất cho việc đi du lịch là ba tháng giữa thai kỳ. Lúc này, những cơn ốm nghén đã bắt đầu giảm, thai nhi vào vị trí ổn định và mẹ cũng chưa quá nặng nề.
Du lịch khi mang thai ba tháng cuối có thể khiến bà bầu cảm thấy không mấy thoải mái, tuy nhiên vẫn có thể có những chuyến du lịch gần, nghỉ dưỡng nhiều hơn so với du lịch khám phá.
Nhiều hãng hàng không không cho phép phụ nữ mang thai tháng cuối được bay mà không có giấy đảm bảo của bác sĩ. Thậm chí, nhiều hãng còn yêu cầu giấy này phải được cấp trong vòng 72h trước chuyến bay. Tuy nhiên, điều này cũng phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe của bà bầu, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được đưa ra lời khuyên tốt nhất.
Phụ nữ mang thai nên cân nhắc địa điểm du lịch
Cùng với thời điểm thì địa điểm du lịch khi mang thai cũng cần được cân nhắc kỹ lưỡng. Phụ nữ mang thai không nên đi những nơi quá xa, yêu cầu thời gian di chuyển trên 6 tiếng hay phải đổi qua nhiều phương tiện sẽ rất bất tiện và mệt mỏi.
Ngoài ra, bà bầu nên tránh đến những vùng hẻo lánh, cơ sở y tế không đáp ứng được hay là đang có bệnh dịch. Tốt nhất nên lựa chọn một chuyến du lịch đến vùng khí hậu mát mẻ, thời tiết ổn định cũng khiến em bé trong bụng cảm thấy dễ chịu.
Ảnh minh họa
Chuẩn bị trang phục phù hợp
Trong thai kỳ, thân nhiệt của bà bầu rất hay thay đổi, thêm việc đến một môi trường mới không quen khí hậu có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân và cả thai nhi. Tốt nhất thì chị em nên tìm hiểu kỹ thời tiết điểm du lịch trước khi đến và chuẩn bị tư trang, quần áo thích hợp.
Lưu ý trong ăn uống
Trong mỗi chuyến du lịch hè, thưởng thức ẩm thực như hải sản là hoạt động yêu thích của nhiều người. Tuy nhiên, đối với bà bầu thì không nên thử những món ăn lạ, có nguy cơ gây dị ứng, đau bụng.
Bà bầu cũng cần nhớ việc uống đủ nước vì di chuyển vào mùa hè rất dễ bị mất nước. Chú ý tránh xa nước đá mà trung thành với nước đóng chai cho dù trời nắng nóng. Uống nước thường xuyên, tăng năng lượng bằng trái cây, các loại hạt khi di chuyển, dừng lại thường xuyên để nghỉ ngơi.
Mang theo hồ sơ và vật dụng y tế
Hồ sơ y tế sẽ giúp những người nhân viên cấp cứu và bác sĩ nắm được tình trạng y tế, dị ứng nào của người đó trong tình huống khẩn cấp. Nếu bà bầu không thể cung cấp thông tin y tế của mình vì lý do nào đó, điều quan trọng là những người chăm sóc, cứu chữa phải biết về tình trạng mang thai, hồ sơ y tế hay liệu bà bầu có bị dị ứng với các loại thuốc nào hay không.
Ngoài ra, phụ nữ mang thai có thể cần bổ sung một số vật dụng như vòng tay chống buồn nôn, hay viên uống bổ sung vitamin tổng hợp… Do đó, nên dành thời gian chuẩn bị bộ vật dụng y tế du lịch và suy nghĩ về những thứ bà bầu có thể cần trong chuyến đi, đặc biệt nếu gia đình đi du lịch nước ngoài và không chắc sẽ có sẵn những loại thuốc cần thiết.
Ảnh minh họa
Hài hòa giữa nghỉ ngơi và di chuyển
Phụ nữ mang thai có nguy cơ bị đông máu cao hơn nhiều khi ngồi liên tục trong thời gian dài. Bà bầu sẽ an toàn và cảm thấy dễ chịu hơn nếu giãn cơ và di chuyển xung quanh thường xuyên nhất có thể. Khi ngồi hay di chuyển, tránh vắt chân quá lâu để giảm bớt nguy cơ đông máu, kê chân cao một chút nhằm tránh chuột rút và sưng chân.
Tuy nhiên, bà bầu tuyệt đối không nên di chuyển, vận động quá mạnh. Bà bầu vẫn nên chú trọng nghỉ, an dưỡng để đảm bảo sức khỏe cho cả bản thân và em bé trong bụng.