Huyết áp tăng cao gây ra nhiều áp lực cho tim (tăng gánh nặng cho tim) và là căn nguyên của nhiều biến chứng tim mạch nghiêm trọng như tai biến mạch não, suy tim, bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim…
Khi mắc bệnh tăng huyết áp, áp suất máu lưu thông trong các động mạch tăng cao, gây nhiều sức ép hơn đến các mô và khiến các mạch máu bị tổn hại dần theo thời gian.
Các loại tăng huyết áp
– Tăng huyết áp vô căn (hay nguyên phát, bệnh tăng huyết áp): Không có nguyên nhân cụ thể, chiếm đến 90% các trường hợp.
– Tăng huyết áp thứ phát (tăng huyết áp là triệu chứng của một số bệnh khác): Liên quan đến một số bệnh trên thận, động mạch, bệnh van tim và một số bệnh nội tiết.
– Tăng huyết áp tâm thu (huyết áp tối đa) đơn độc: Khi chỉ có huyết áp tâm thu tăng trong khi huyết áp tâm trương bình thường.
– Tăng huyết áp khi mang thai, bao gồm tăng huyết áp thai kỳ và tiền sản giật: Cảnh báo một số nguy cơ tim mạch trong giai đoạn mang thai.
Mức độ nghiêm trọng của tăng huyết áp
Theo hướng dẫn điều trị cập nhật của Hiệp hội Tim mạch Châu Âu (ESC) năm 2018, tùy vào mức độ nghiêm trọng mà tăng huyết áp được phân loại thành:
– Huyết áp tối ưu: Dưới 120/80 mmHg.
– Huyết áp bình thường: Từ 120/80 mmHg trở lên.
– Huyết áp bình thường cao: Từ 130/85 mmHg trở lên.
– Tăng huyết áp độ 1: Từ 140/90 mmHg trở lên.
– Tăng huyết áp độ 2: Từ 160/100 mmHg trở lên.
– Tăng huyết áp độ 3: Từ 180/110 mmHg trở lên.
– Tăng huyết áp tâm thu đơn độc: Khi huyết áp tâm thu từ 140 mmHg trở lên, trong khi huyết áp tâm trương dưới 90 mmHg
– Tiền tăng huyết áp : Huyết áp tâm thu > 120 – 139mmHg và huyết áp tâm trương > 80-89mmHg.
BS HÀ HẢI NAM