Đối với trẻ em, do hệ tiêu hóa còn kém nên rất dễ gặp phải các vấn đề rối loạn tiêu hóa. Trẻ bị tiêu chảy và nôn trớ là tình trạng thường gặp ở hầu hết các trẻ, do nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên. Các mẹ có thể tham khảo trong bài viết dưới đây để có thể biết được nguyên nhân gây nên tình trạng trẻ bị tiêu chảy nôn trớ cũng như cách để khắc phục tình trạng này cho trẻ.
Nguyên nhân khiến trẻ bị tiêu chảy và nôn trớ
Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị tiêu chảy và nôn trớ gây ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển của trẻ. Để có thể điều trị hiệu quả tình trạng tiêu chảy ở trẻ, các mẹ cần xác định rõ nguyên nhân để có hướng điều trị phù hợp. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến thường gặp gây nên tình trạng trẻ bị tiêu chảy và nôn trớ mà các mẹ cần biết.
Tiêu chảy cấp
Tiêu chảy cấp là một trong những bệnh có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ với biểu hiện thường gặp là trẻ bị tiêu chảy và nôn trớ. Tình trạng này khiến trẻ bị mất nước nghiêm trọng, kiệt sức, suy dinh dưỡng và thậm chí là có thể dẫn đến tử vong. Đặc biệt đối với trẻ dưới 2 tuổi có sức đề kháng yếu và các biểu hiện sẽ thường khó nhận biết hơn.
Tiêu chảy cấp thường là do các loại vi khuẩn hoặc virus có hại gây nên, chúng xâm nhập vào cơ thể của bé qua thực phẩm hoặc các đồ vật mà bé thường tiếp xúc, gây phá hoại đường ruột của trẻ.
Ăn thức ăn không hợp vệ sinh
Thường xuyên cho trẻ ăn các thực phẩm không hợp vệ sinh hoặc bị ôi thiu cũng là nguyên nhân khiến trẻ bị tiêu chảy và nôn trớ.
Bên cạnh đó, có rất nhiều phụ huynh hay ép bé ăn hết đồ ăn hoặc cho bé ăn quá no, khi đó bé có thể bị nôn trớ và rối loạn tiêu hóa.
Rối loạn tiêu hóa
Chế độ dinh dưỡng không hợp lý hay rối loạn tiêu hóa cũng là một trong số những nguyên nhân khiến trẻ bị tiêu chảy và nôn trớ. Ngoài biểu hiện tiêu chảy và nôn nhiều, bé còn có thể có các triệu chứng khác như chán ăn, mệt mỏi, mất nước hoặc sốt.
Trẻ sơ sinh bị tiêu chảy và nôn trớ có nguy hiểm không?
Trẻ đi ngoài nhiều và nôn là tình trạng thường gặp khi bé bị tiêu chảy. Vì vậy, nếu phát hiện bé có biểu hiện nôn kèm tiêu chảy kéo dài thì mẹ nên nhanh chóng đưa trẻ đến gặp bác sĩ để có cách điều trị phù hợp. Bởi tiêu chảy nếu không được khắc phục kịp thời đôi khi sẽ có thể gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe của bé như:
- Cơ thể bé bị mất nước nghiêm trọng khiến bé rơi vào trạng thái hôn mê. Nếu không bổ sung nước kịp thời sẽ khiến cơ thể bé cạn nước và có thể dẫn đến tử vong.
- Bé bị tiêu chảy và nôn trớ kéo dài nếu không điều trị sớm sẽ gây ảnh hưởng xấu đến hệ tiêu hóa của trẻ và khiến trẻ có nguy cơ bị suy dinh dưỡng về sau.
- Nếu không khắc phục sớm tình trạng bé đi ngoài và nôn trớ nhiều sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe của trẻ như viêm tai giữa, nhiễm khuẩn huyết hoặc nhiễm khuẩn tiết niệu.
Nên làm gì khi trẻ bị tiêu chảy và nôn trớ?
Khi bị tiêu chảy và nôn trớ kéo dài sẽ khiến cơ thể bé bị mất nước và các chất điện giải, gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm. Vì vậy, phụ huynh nên nhanh chóng đưa trẻ đi đến các cơ sở y tế uy tín để được khám và chữa trị an toàn. Bên cạnh đó, cha mẹ nên làm một số điều sau đây để giúp trẻ mau chóng khỏi bệnh.
Cho trẻ nghỉ ngơi đúng cách
Mẹ nên cho bé nghỉ ngơi và thư giãn trên giường để giúp xoa dịu sự căng thẳng của dạ dày.
Dù lúc này bé có thể trở nên biếng ăn nhưng mẹ cũng không nên để bé vừa ăn vừa chơi. Vì nếu trẻ chạy xung quanh trong khi ăn, sẽ khiến trẻ dễ bị sặc thức ăn vào đường thở và gây nghẹt thở rất nguy hiểm.
Bổ sung nhiều nước cho trẻ
Khi trẻ bị tiêu chảy và nôn trớ mẹ nên cho trẻ uống nhiều nước, đối với những bé còn bú mẹ thì mẹ nên cho bé bú nhiều hơn. Điều này sẽ giúp bù nước cho cơ thể bé và tránh tình trạng bé bị mất nước dẫn đến kiệt sức.
Mẹ lưu ý không nên cho trẻ uống nước trái cây nguyên chất vì sẽ khiến bé bị tiêu chảy nhiều hơn do nước trái cây có chứa nhiều đường. Mẹ cũng không nên cho bé uống các loại nước ngọt hoặc nước điện giải được bán ngoài thị trường, vì sẽ làm ảnh hưởng đến đường ruột và khiến bé bị tiêu chảy nhiều hơn.
Ngoài ra, các mẹ không nên tự ý cho trẻ sử dụng bất cứ loại thuốc nào khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ. Mẹ nên bổ sung các thực phẩm nhiều vitamin C và đầy đủ dưỡng chất cần thiết để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể của trẻ.
Hy vọng qua một số thông tin được chia sẻ trong bài viết trên, sẽ giúp các mẹ hiểu rõ hơn về nguyên nhân cũng như cách khắc phục tình trạng trẻ bị tiêu chảy và nôn trớ. Khi bé xuất hiện tình trạng tiêu chảy và nôn trớ kéo dài, mẹ nên nhanh chóng đưa bé đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời.