Biếng ăn là gì?
Biếng ăn là tình trạng thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt là những trẻ trong độ tuổi từ 1 – 6. Tuy nhiên thực tế sau 1 tuổi, tốc độ tăng trưởng của trẻ sẽ giảm dần, dẫn đến lượng thức ăn cần nạp vào cơ thể của bé cũng giảm theo. Đây được gọi là biếng ăn sinh lý và lúc này trẻ vẫn hoàn toàn bình thường.
Thế nhưng biếng ăn cũng có thể xuất phát từ các nguyên nhân khác, có thể gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển thể chất lẫn trí tuệ của trẻ như:
– Trẻ bị bệnh: ho, đau họng, sốt, rối loạn đường tiêu hóa…
– Tâm lý:
- Trẻ ham chơi, dẫn đến quá “bận rộn” để ăn.
- Trẻ xa mẹ hoặc bị thay đổi môi trường sống.
- Trẻ sợ ăn do bị ép ăn lâu dài hoặc từng bị tổn thương đường tiêu hóa (hóc, sặc). Đây là nguyên nhân gây biếng ăn rất khó để điều trị.
– Chế độ ăn không phù hợp: ăn lặt vặt quá nhiều, uống nhiều sữa…
– Thiếu máu, thiếu sắt là nguyên nhân phổ biến khiến trẻ biếng ăn và chậm lớn.
– Thiếu vận động.
Các nguyên nhân có thể xảy ra cùng lúc với các mức độ khác nhau ở mỗi trẻ cụ thể. Vì thế, khi thấy bé biếng ăn, mẹ cần phải bình tĩnh xử lý, tránh để tình trạng trở nên tồi tệ hơn.
Những dấu hiệu cho thấy trẻ mắc chứng biếng ăn
Chỉ số cân nặng, chiều cao không đạt chuẩn
Liên tiếp trong vòng 3 tháng, chỉ số cân nặng và chiều cao của trẻ gần như đứng yên tại chỗ, tăng rất ít thậm chí trẻ có thể bị sụt cân. Điều này cho thấy trẻ có thể đang mắc chứng biếng ăn, ăn không hấp thu.
Theo đó, để nhận biết sự thay đổi/ hoặc đứng yên của các chỉ số này, hàng tháng bố mẹ cần theo dõi bảng chuẩn phát triển chiều cao và cân nặng của trẻ theo độ tuổi của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhé!
Trẻ chỉ ăn một vài loại thức ăn, không chịu ăn thử món mới
Mỗi bữa ăn trẻ chỉ ăn đúng một loại thực phẩm, ăn đúng món ăn mình thích ngoài ra không muốn thử hoặc ăn bất kỳ món mới nào. Đây cũng được xem là dấu hiệu biếng ăn ở trẻ bố mẹ cần lưu ý. Bởi trẻ con thường thích khám phá, “nếm trải” những điều mới lạ, và đương nhiên, các món ăn mới cũng không ngoại lệ vì chúng bao giờ cũng khá hấp dẫn và thơm ngon.
Bé “bất hợp tác” khi đến bữa, thời gian mỗi bữa ăn kéo dài trên 30 phút
Thời gian ăn lâu hơn bình thường, mỗi bữa ăn của trẻ có thể kéo dài hơn 30 phút. Trong bữa, trẻ thường nhai thức ăn rất chậm, hoặc không nhai, ngậm thức ăn trong miệng không chịu nuốt hoặc lấy tay che miệng, phun/nhè thức ăn ra ngoài khi được đút cho ăn…
Lượng thức ăn mỗi ngày ít hơn những trẻ cùng độ tuổi
Tùy theo đội tuổi, giới tính, tình trạng sức khỏe, khả năng hấp thu mà… lượng thức ăn ăn vào hàng ngày của mỗi trẻ không giống nhau. Tuy nhiên, nếu so sánh với những đứa trẻ cùng tuổi, lượng thức ăn, sữa trẻ nạp vào cơ thể hàng ngày khá ít và có chiều hướng ngày càng giảm, bố mẹ không nên chủ quan, bởi đây là một dấu hiệu cảnh báo trẻ biếng ăn.
Các cách trị trẻ biếng ăn
Hãy để bữa cơm trở nên vui vẻ
Bên cạnh ngồi ăn chung cùng các thành viên trong gia đình, bố mẹ hãy để bé tự cảm nhận các món ăn thông qua chạm, bóc (đối với bé nhỏ) và hướng dẫn bé dùng muỗng, nĩa (với các bé lớn). Khi bé tự ăn, bố mẹ cũng nên vỗ tay khen ngợi nhằm khuyến khích và động viên, giúp trẻ thích thú, từ đó bé sẽ ăn ngon miệng hơn.
Không nên làm bé bị căng thẳng
Khi cho bé ăn, bố mẹ tuyệt đối không nên ép, khiến bé bị căng thẳng và hình thành cảm giác sợ ăn. Thay vào đó mỗi bữa ăn, bố mẹ chỉ nên cho trẻ ăn từng phần nhỏ. Sau khi bé ăn hết một phần, bố mẹ lại cung cấp phần tiếp theo. Lúc này, khi ăn hết từ phần nhỏ này sang phần nhỏ khác, trẻ sẽ học được cảm giác no và không bị cảm giác căng thẳng.
Chú ý thời gian cho mỗi bữa ăn
Đối với những bé năng động, rất khó để bé ngồi im trong suốt bữa ăn. Theo đó, dù bé có ăn ít đi chăng nữa nhưng bố mẹ cũng chỉ nên cho bữa ăn kéo dài trong khoảng 30 phút. Nhờ đó, bé không chỉ tránh được áp lực tâm lý mà còn kích thích khả năng tự điều chỉnh lượng thức ăn cần nạp vào cơ thể của trẻ.
Chế biến và trang trí món ăn màu sắc
Bên cạnh mùi hương, màu sắc cũng là một yếu tố kích thích cảm giác thèm ăn và ngon miệng của trẻ. Để trị bệnh biếng ăn cho trẻ 2 – 3 tuổi, bạn hãy sử dụng đa dạng màu sắc trong món ăn. Ví dụ như món canh hầm có màu cam của cà rốt, màu xanh của đậu Hà Lan và màu vàng của khoai tây sẽ hấp dẫn trẻ. Mặt khác, bạn cũng có thể sắp xếp, trang trí món ăn thành các hình thù ngộ nghĩnh, đáng yêu để tăng sự thích thú, hào hứng của trẻ.