Là trưởng phòng kinh doanh một công ty về xuất nhập khẩu, Hạnh có cuộc sống khá thoải mái với mức lương cao. Ở tuổi 32, cô tập trung cho sự nghiệp, chưa có kế hoạch kết hôn. “Hiện tại tôi chưa nghĩ đến lập gia đình, song tương lai chưa biết trước. Tôi cần kế hoạch ‘bảo hiểm sinh sản’ để có con trong tương lai”, Hạnh nói.
Đầu tháng 4, cô đến Trung tâm hỗ trợ sinh sản và Công nghệ mô ghép, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, để tham vấn về dịch vụ trữ đông trứng. Các bác sĩ kiểm tra đánh giá số lượng và chất lượng trứng của cô vẫn tốt. Sau khi chọc hút trứng, bác sĩ thu được 8 noãn trưởng thành, đem đi trữ đông.
“Đây là một trong số những người có kiến thức, đã tìm hiểu về gửi trữ trứng và chủ động bảo hiểm sinh sản”, bác sĩ Trịnh Thị Ngọc Yến, người làm thủ thuật cho chị Hạnh, nói.
Theo bác sĩ Yến, xu hướng phụ nữ độc thân chủ động đông lạnh trứng tăng nhanh trong các năm gần đây. Khoảng 5 năm trước, việc lưu trữ trứng không phổ biến, chỉ áp dụng cho vợ chồng hiếm muộn. Một số ít trường hợp trữ trứng trước khi điều trị nội tiết hoặc mắc ung thư vú, buồng trứng, với 30-50 ca mỗi năm. Ba năm trở lại đây, số phụ nữ đi trữ trứng chủ động tăng, trung bình mỗi năm nơi này trữ trứng cho 100 ca, hầu hết là phụ nữ độc thân.
Tương tự, nhiều Trung tâm hỗ trợ sinh sản khác cũng ghi nhận số phụ nữ độc thân gửi trứng chờ sinh con ngày càng nhiều. Như Bệnh viện Bưu Điện trữ trứng cho khoảng 350 trường hợp, trung bình mỗi tháng tiếp nhận 5-7 trường hợp.
Đông lạnh trứng là phương pháp được thực hiện nhằm bảo tồn khả năng mang thai của phụ nữ. Trứng lấy từ buồng trứng sẽ được đông lạnh và bảo quản trong thời gian dài, khi cần thiết sẽ được rã đông, thụ tinh nhân tạo với tinh trùng để tạo thành phôi và cấy vào tử cung người phụ nữ.
Nhờ trữ đông trứng, phụ nữ có thể thụ thai, làm mẹ và sinh con khỏe mạnh dù đã qua ngưỡng tuổi phù hợp. Khi trữ đông, đồng hồ sinh học của trứng sẽ dừng lại thời điểm đó. Trứng được bảo quản trong môi trường nitơ lỏng -196 độ C, thời gian không giới hạn.
Ở Việt Nam, chi phí trữ trứng khoảng 50-60 triệu đồng, trong khi một số nước Đông Nam Á khoảng 6.000-10.000 USD.
Bác sĩ Yến kiểm tra sức khỏe sinh sản cho một bệnh nhân. Ảnh: Lê Nga
PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và công nghệ mô ghép, đánh giá hiện nay nhiều phụ nữ gửi trữ trứng vì muốn trì hoãn lập gia đình, trì hoãn có con. Khi nào đủ khả năng kinh tế hoặc sẵn sàng cho việc làm mẹ, họ sẽ sử dụng nguồn trứng đông lạnh này.
Song, độ tuổi trung bình phụ nữ khi gửi trứng hiện phổ biến là 35-40, trong khi chất lượng trứng tốt nhất cần lấy trước 35 tuổi, theo PGS Hà. Nhiều trường hợp tuổi cao, buồng trứng đã suy giảm cả số lượng và chất lượng, khiến việc kích trứng rất khó khăn.
Phụ nữ sau tuổi 25, buồng trứng bắt đầu suy giảm số lượng và chất lượng. Sau 35 tuổi, chất lượng trứng cũng như khả năng sinh sản giảm nhanh. Do đó bác sĩ khuyên chị em có ý định trữ trứng cần tiến hành sớm, trước 40 tuổi. Trong 700 trường hợp thụ tinh ống nghiệm tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và công nghệ mô ghép, tỷ lệ có thai ở phụ nữ trên 40 tuổi chỉ đạt 16% bởi sảy thai và thai lưu nhiều. Trong khi đó với người dưới 35 tuổi thì tỷ lệ thành công lên đến 60-70%.