Tôi là nữ, năm nay 55 tuổi, đầu năm nay vừa làm xong thủ tục nghỉ hưu, lương hưu mỗi tháng là 5 triệu. Lúc chồng tôi biết được lương hưu của tôi, ông ta vênh váo hống hách nói: “Lương hưu của bà có tí tẹo thế thì sau này phải hầu hạ tôi hẳn hoi, không là tôi sẽ thu lại thẻ lương đấy!”.
Chồng tôi nói bóng nói gió một hồi, thực ra ý của ông ta là lương tôi thấp như vậy, nếu như không có thêm lương của ông ta thì tôi không sống nổi. Dù ông ta nói rất khó nghe nhưng tôi cũng chẳng buồn để bụng, không thèm cãi nhau, nếu chỉ vì thế mà xích mích gây gổ thì chỉ tổ ảnh hưởng tâm trạng, không đáng chút nào.
Nghe lời con trai dỗ dành bạn gái mà chết lặng trong lòng
Từ sau khi làm xong thủ tục về hưu, mỗi ngày tôi đều sống rất vui vẻ. Cuối cùng tôi cũng có thể ngủ đến khi tự tỉnh giấc, tự do sắp xếp thời gian biểu của mình, hạnh phúc biết bao! Tôi đăng kí lớp học cho người già, tham gia ba lớp học thơ văn, học nhảy, học hát. Đây là ba môn học mà hồi trẻ tôi rất muốn học, nhưng không có thời gian và tiền bạc nên đành gác lại.
Ngày nào tôi cũng phải đến lớp học, thời gian ở nhà hầu như không có. Không chỉ vậy, vài ba ngày tôi lại nhận lời mời của bạn bè, đi khám phá, thưởng thức phong cảnh ở những nơi khác nhau, giải toả tâm trạng. Tôi còn tham gia vào một số nhóm như nhóm đi bộ thể dục đường dài, nhóm ca hát, nhóm bạn cùng lớp, v…v… Tôi sắp xếp các hoạt động kín thời gian biểu của mình, không có một kẽ hở nào, đến nỗi mỗi ngày 24 giờ cảm thấy không đủ.
Chồng tôi thấy nghỉ hưu xong ngày nào tôi cũng ở bên ngoài, không có thời gian ở nhà, bắt đầu quay sang trách tôi không chịu ở nhà cơm nước chợ búa, dọn dẹp nhà cửa, cứ chạy ra ngoài làm mấy trò vô bổ, vừa tốn thời gian vừa tốn tiền. Tôi không phục nên cãi lại, những lớp học tôi tham gia học phí chỉ có 500 ngàn, những nhóm tôi tham gia mỗi lần tổ chức hoạt động cũng dùng quỹ chung, cùng lắm là hết 200 ngàn một tháng, không hề có chuyện lãng phí tiền bạc.
Ảnh minh họa. (Nguồn AI) |
Chồng tôi lại nói, tiền thì không tiêu, thế còn thời gian thì sao? Thay vì ra ngoài chơi bời tụ tập bạn bè, bà ở nhà bỏ thời gian ra chăm sóc chồng với con trai có phải hơn không? Tôi với con mới là người quan trọng nhất trong cuộc sống của bà, thế mà bà cũng không hiểu à?
Tôi phản bác lại: “Tôi cực khổ làm việc nửa đời người, đến tuổi này mới được nghỉ hưu, đi làm những chuyện mình thích thì sai trái gì?”.
Chồng tôi nhất quyết nói ngang: “Không cần biết, sau này cấm bà chạy ra ngoài tụ tập, bắt buộc phải ở nhà nấu ăn chăm sóc chồng con, nếu không thì tôi sẽ lấy lại thẻ lương của tôi!”.
Gì tôi cũng không sợ, sợ nhất là để chồng tôi cầm tiền, không phải là vì tôi tham, mà là vì con trai chúng tôi chưa kết hôn, tôi phải để dành tiền sau này làm đám cưới mua nhà mới cho nó. Tôi rất hiểu chồng tôi, chỉ cần trong tay có tiền là ông ta sẽ tiêu sạch sẽ không còn một đồng nào. Cho nên, vì con trai, tôi đành chịu tủi thân, từ bỏ sở thích của mình, ở nhà chăm sóc hai bố con hết sức chu đáo. Ngặt một nỗi, con trai lại không hiểu những gì tôi đã bỏ ra, đã vậy nó còn đưa ra những yêu cầu hết sức quá đáng.
Một hôm, nó dẫn bạn gái về ăn cơm, tôi làm một bàn đầy món ngon, mệt đến muốn gãy cả lưng. Thế nhưng nó không một lời hỏi han quan tâm, lại còn quay sang dỗ dành bạn gái: “Sau này chúng mình cưới nhau em không phải động tay vào việc gì hết, tất cả cứ để mẹ anh làm, em yên tâm”.
Nghe xong câu đó, bạn gái nó thì mặt mày hớn hở, còn người mẹ là tôi đây thì đau như có ai đâm dao vào ngực. Sau bữa cơm, tôi kéo con trai lại hỏi: “Nãy con nói việc nhà để mẹ làm hết là nói thật à?”. Con trai thẳng thừng nói với tôi: “Vâng, mẹ nghỉ hưu rồi có việc gì làm đâu, ở nhà dọn dẹp nấu cơm chăm cháu là chuyện bình thường mà, có gì phải hỏi”.
Nghe vậy, lòng tôi lạnh ngắt. Nuôi đứa con này tốn công tốn sức rồi, nó đâu có thương mẹ. Ngày trước tuy việc nhà vẫn là tôi làm nhưng hai bố con nó vẫn còn có tí tự giác, nhà dọn sạch rồi sẽ không vứt rác bừa bãi. Nhưng giờ thì khác hẳn, hai người đó như biến thành ông nội cho tôi hầu hạ, quần áo bẩn, tất thối vứt lung tung, vỏ táo gọt xong cũng vứt luôn lên ghế sô pha. Tôi nói cho thì lại cãi rằng cả ngày đi làm mệt mỏi rồi, bà ở nhà có việc gì đâu, dọn dẹp tí mà cũng khó chịu, khiến cho tôi tức muốn chết.
Ảnh minh họa. (Nguồn AI) |
Quyết định “vùng lên” sống cho chính mình
Đỉnh điểm là ngày sinh nhật của tôi. Hôm đó tôi nấu rất nhiều món ngon, còn mua cả bánh kem và rượu vang để chúc mừng. Hai bố con tan làm về đến nhà mới biết là sinh nhật tôi, nhưng cũng chẳng thèm chúc mừng câu nào, lại còn nói tôi tiền lương hưu đã thấp còn tiêu hoang. Tôi tủi thân đến mức bật khóc ngay trên bàn ăn. Con trai thấy tôi khóc cũng chẳng thèm an ủi, còn nói thêm vào phải biết tiết kiệm tiền, sau này cưới vợ phải tiêu pha rất nhiều.
Thái độ đó của chồng con khiến tôi cực kì tức giận. Tôi lớn tiếng nói từ giờ sẽ không phục vụ bố con nhà ông nữa, tôi sẽ đi khỏi cái nhà này, sống cuộc sống mà tôi muốn. Con trai chặn tôi lại không muốn cho tôi đi, nhưng chồng tôi thì không, ông ta chỉ đòi lại thẻ lương. Ông ta nghĩ tôi chỉ làm loạn vài hôm mà thôi, tiền lương ông ta cầm, tôi đi mấy hôm không đủ tiền rồi sẽ quay về.
Đã thế, tôi quyết tâm sẽ sống thật tốt cho bố con ông ta nhìn. Tôi ném lại thẻ lương, rồi xách vali đến một thành phố ven biển, thuê một căn homestay nhỏ để ở. Ở đây khí hậu mát mẻ. phong cảnh hữu tình, thực sự rất đẹp. Tôi còn mua dụng cụ pha trà về học trà nghệ, lên mạng đọc sách, sáng sớm thì ra biển đi dạo ngắm bình minh. Cuộc sống của tôi ở đây trôi qua rất tuyệt vời thoải mái, tinh thần tôi cũng tốt hơn rất nhiều.
Vài tháng trôi qua, chồng và con trai thấy tôi vẫn chưa quay về thì bắt đầu hoảng hốt, hết bố đến con gọi điện giục tôi quay về. Nào là không có tôi, trong nhà loạn cào cào, nào là con trai sắp sửa cưới vợ, cần tôi về sắp xếp. Tôi cười khẩy, hai bố con nó đang đòi tôi về tiếp tục làm người hầu, chẳng có ai hỏi thăm tôi sống có ổn không, tiền có đủ tiêu không. Tôi nói thẳng, bây giờ tôi không về, sau này cũng không về nữa, không cần phải gọi điện cho tôi. Thế là chồng tôi doạ nếu không về thì ông ta sẽ ly hôn với tôi. Nhưng ông ta đã nhầm, tôi chẳng sợ, kể cả ly hôn rồi tôi cũng không về nhà nữa.
Cả nửa đời người trước của tôi đã phải sống vì người khác, đủ mệt mỏi rồi. Phần đời còn lại, tôi phải sống cho bản thân mình, làm những gì mình thích, còn chồng con nghĩ gì tôi mặc kệ. Nỗ lực của mình bỏ ra không được ghi nhận, phải biết dừng lại và buông bỏ, đừng làm khó bản thân mình.