Táo đỏ là mặt hàng được yêu thích nhờ vào nhiều lợi ích đối với sức khỏe. Ảnh: Freepik.
|
Theo Báo cáo Toàn cảnh Thị trường sàn bán lẻ trực tuyến 2024 & Dự báo 2025, thống kê dữ liệu trong thời gian 1/1-31/12/2024 do nền tảng phân tích dữ liệu thương mại điện tử Metric công bố, táo đỏ Tân Cương dẫn đầu danh sách “Sản phẩm nổi bật năm 2024” trên các sàn thương mại điện tử lớn gồm Shopee, TikTok Shop, Lazada, Tiki và Sendo, với tổng doanh số đạt 322 tỷ đồng.
Sản phẩm này thường có giá từ 100.000 đến 250.000 đồng/kg. Đáng chú ý, vào những tháng cuối năm 2024, thị trường xuất hiện phiên bản nâng cấp với táo đỏ kẹp nhân sữa lạc đà, hạt điều. Doanh thu tăng mạnh nhờ chiến dịch quảng bá của KOL, KOC và người nổi tiếng. Ngoài ra, loại quả này vốn được ưa chuộng từ lâu nhờ những lợi ích tiềm năng đối với sức khỏe.
Vì sao táo đỏ được ưa chuộng?
Táo tàu (còn gọi là táo đỏ, táo tàu Trung Quốc) có nguồn gốc chủ yếu từ Trung Quốc. Loại quả này đã được sử dụng trong ẩm thực và y học cổ truyền hơn 3.000 năm nhờ giá trị dinh dưỡng và dược tính.
Giảm nguy cơ mắc một số bệnh mạn tính
Theo Healthline, táo đỏ chứa nhiều hợp chất chống oxy hóa như flavonoid, polysaccharide và axit triterpenic. Ngoài ra, vitamin C trong loại quả này cũng là một chất chống oxy hóa mạnh.
Những chất này giúp bảo vệ tế bào khỏi tác hại của các gốc tự do, giảm nguy cơ mắc bệnh mạn tính như tiểu đường type 2, bệnh tim và ung thư. Một nghiên cứu trên động vật cho thấy flavonoid từ táo đỏ giúp giảm căng thẳng và viêm nhiễm ở gan.
Cải thiện hệ miễn dịch
Táo tàu có thể tăng cường hệ miễn dịch nhờ các hợp chất chống oxy hóa. Một nghiên cứu cho thấy polysaccharide từ táo đỏ giúp trung hòa các gốc tự do, giảm viêm nhiễm và kích thích sản sinh tế bào miễn dịch.
Cải thiện tiêu hóa
Theo Medical News Today, táo tàu chứa hàm lượng chất xơ dồi dào, với khoảng 50% tổng lượng carbohydrate. Nhờ đó, loại quả này có thể hỗ trợ tiêu hóa bằng cách:
- Làm mềm phân và tăng khối lượng, giúp hạn chế tình trạng táo bón.
- Đẩy nhanh quá trình di chuyển của thức ăn qua đường ruột.
- Nuôi dưỡng lợi khuẩn, góp phần duy trì hệ vi sinh đường ruột khỏe mạnh.
Bên cạnh đó, chiết xuất táo đỏ còn có thể giúp bảo vệ lớp niêm mạc dạ dày và ruột, từ đó giảm nguy cơ viêm loét và tổn thương do vi khuẩn có hại gây ra.
Cải thiện giấc ngủ
Trong y học cổ truyền, táo tàu thường được dùng để hỗ trợ giấc ngủ và giảm căng thẳng. Các nghiên cứu trên động vật cho thấy chiết xuất từ táo tàu có thể kéo dài thời gian ngủ và cải thiện chất lượng giấc ngủ.
Một số món ăn với táo đỏ
Theo bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng đơn vị điều trị ban ngày, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (cơ sở 3), ngoài việc ăn trực tiếp, táo đỏ khi kết hợp với các nguyên liệu khác có thể tạo thành bài thuốc giúp cải thiện giấc ngủ, hỗ trợ tiêu hóa và nâng cao sức khỏe.
– Gà hầm táo đỏ
Gà hầm táo đỏ phù hợp với người thiếu máu, tiêu hóa kém và ăn uống không ngon miệng.
Nguyên liệu: 20 gram táo đỏ (bỏ hạt), 20 gram nấm hương (ngâm mềm), 1 con gà nhỏ (làm sạch, chặt miếng), giấm, tương, muối, đường, bột ngọt, hành lá, rượu.
Cách thực hiện:
- Chuẩn bị các nguyên liệu, cho tất cả vào nồi, thêm gia vị và trộn đều.
- Hấp cách thủy trong khoảng 15 phút cho đến khi gà chín mềm và thấm đều gia vị.
– Cháo táo đỏ
Món ăn này hỗ trợ người trúng phong, bại liệt hoặc động kinh co giật.
Nguyên liệu: 7 quả táo (cắt lát hoặc xé nhỏ), 60 gram gạo nếp.
Cách thực hiện:
- Nấu đại táo với nước, lọc bỏ bã.
- Gạo nếp vo sạch, nấu cháo đến khi chín nhừ.
- Thêm nước đại táo vào cháo, khuấy đều và đun sôi lại.
– Thang cam mạch đại táo
Bài thuốc này hỗ trợ cải thiện tình trạng lo lắng, mất ngủ, tự ra nhiều mồ hôi, tâm trạng thất thường do suy nhược thần kinh.
Nguyên liệu: 20 gram đại táo, 24 gram phù tiểu mạch, 12 gram cam thảo.
Cách thực hiện: Sắc thuốc uống hàng ngày.
Những lưu ý khi dùng táo đỏ
Táo đỏ là một dược liệu lành tính, không chứa độc tố và an toàn khi sử dụng. Tuy nhiên, tiêu thụ quá mức có thể gây ra một số tác dụng phụ như:
- Rối loạn tiêu hóa: táo bón, khó tiêu, nóng trong người.
- Kích thích tiết dịch vị dạ dày, có thể gây trào ngược ở người mắc bệnh dạ dày.
- Mất cân bằng ngũ tạng, gây cảm giác cồn cào khi ăn nhiều quả tươi lúc đói.
Lưu ý khi sử dụng táo đỏ:
- Dùng đúng liều lượng, không tự ý kết hợp với thảo dược khác khi chưa có ý kiến chuyên gia.
- Trẻ em, phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú cần tham khảo bác sĩ trước khi sử dụng.
- Người có đường huyết cao, máu nhiễm mỡ cần thận trọng khi dùng.
- Chọn dược liệu có nguồn gốc rõ ràng, không chứa chất bảo quản.