Thứ tư, Tháng mười hai 18, 2024
spot_img
HomeKhỏe ĐẹpVì sao vào mùa đông, sờ đâu cũng bị ‘giật’?

Vì sao vào mùa đông, sờ đâu cũng bị ‘giật’?


Khi bạn đến gần một vật liệu dẫn điện như tay nắm cửa kim loại, các điện tử từ tay nắm sẽ “nhảy” vào người bạn để trung hòa điện tích, tạo nên cú sốc điện. Ảnh: Shutterstock.






Vào những tháng đông lạnh giá, bạn chắc hẳn đã không ít lần gặp phải những cú sốc tĩnh điện bất ngờ. Những cú “giật điện” nhẹ này xuất hiện khi bạn chạm vào tay nắm cửa, xe hơi hay thậm chí chỉ khi vuốt tóc. Vậy tại sao hiện tượng này lại phổ biến vào mùa đông và liệu có cách nào để hạn chế những cú sốc khó chịu này không?

Vì sao mùa đông dễ bị sốc tĩnh điện hơn?

Tĩnh điện xảy ra khi có sự mất cân bằng giữa điện tích dương và điện tích âm trên bề mặt các vật thể. Khi 2 vật liệu tiếp xúc hoặc ma sát với nhau, các electron – hạt mang điện tích âm – có thể di chuyển từ vật liệu này sang vật liệu khác. Kết quả là một trong 2 vật thể sẽ bị mất hoặc nhận thêm electron.

Đơn cử như khi bạn đội một chiếc mũ len lên đầu, điện tử có thể di chuyển từ tóc bạn sang chiếc mũ, gây ra sự mất cân bằng điện tích giữa hai vật thể này.

Một yếu tố quyết định điện tích di chuyển theo hướng nào chính là chuỗi điện ma sát (triboelectric series). Đây là danh sách sắp xếp các vật liệu dựa trên khả năng mất hoặc nhận electron.

Ví dụ, tóc người có xu hướng mất electron, còn len hoặc cao su dễ nhận electron hơn. Khi bạn đội một chiếc mũ len vào mùa đông, electron từ tóc của bạn chuyển sang mũ, khiến tóc bạn tích điện dương. Vì các điện tích cùng dấu đẩy nhau, các sợi tóc sẽ xòe ra, tạo hiện tượng “tóc dựng đứng”.

Đó cũng là lý do khi bạn tiến gần các vật dẫn điện như tay nắm cửa bằng kim loại, electron sẽ “nhảy” từ vật dẫn sang cơ thể bạn (hoặc ngược lại) để cân bằng điện tích, tạo ra cú sốc tĩnh điện.

 

Vậy tại sao mùa đông bạn lại dễ bị “sốc” hơn? Câu trả lời nằm ở độ ẩm, theo John Burkhauser, giám đốc chương trình giáo dục tại Bolt Technology. Nước là một chất dẫn điện tốt, giúp các điện tích dư thừa trên bề mặt cơ thể nhanh chóng tiêu tán vào không khí.

Vào mùa hè, không khí ẩm hơn. Các điện tích liên tục được cân bằng mà chúng ta không nhận ra. Ngược lại, mùa đông có không khí lạnh và khô, nên là một môi trường cách điện lý tưởng. Các điện tích tích tụ trên bề mặt da và chờ cơ hội để “phóng” khi gặp vật dẫn.

Ngoài ra, khi chúng ta sưởi ấm không gian trong nhà bằng lò sưởi hoặc điều hòa, không khí còn khô hơn nữa. Ví dụ như nếu không khí ngoài trời có độ ẩm tương đối 57% ở nhiệt độ -9°C, khi được đưa vào trong nhà và sưởi ấm lên 20°C, độ ẩm tương đối chỉ còn 7%.

Làm gì để không “giật điện”?

Để giảm thiểu sốc tĩnh điện, một trong những cách hiệu quả nhất là sử dụng máy tạo độ ẩm. Khi độ ẩm tăng lên, các điện tích có xu hướng tiêu tán vào không khí thay vì tích tụ trên cơ thể bạn.

Độ ẩm lý tưởng trong nhà được các chuyên gia khuyến nghị là từ 40-50%. Nếu không có máy tạo độ ẩm, bạn có thể thử đặt chậu nước gần các nguồn nhiệt hoặc trồng thêm cây xanh để cải thiện độ ẩm tự nhiên.

Quần áo cũng ảnh hưởng đến việc tích tụ tĩnh điện. Len và sợi tổng hợp như nylon hay polyester thường dễ tích điện hơn so với cotton hoặc lụa. Vì vậy, nếu bạn hay bị “giật điện”, hãy thử chuyển sang mặc quần áo làm từ sợi tự nhiên.

Bạn cũng nên kết hợp các vật liệu có xu hướng tích điện giống nhau, chẳng hạn như len với len, hoặc chọn các lớp lót bằng cotton hoặc lụa, để giảm nguy cơ tạo ra điện tích, theo Mainichi.

Ngoài ra, hãy cân nhắc thay đổi giày dép. Vốn là chất cách điện tốt, đế giày cao su cũng có thể khiến tĩnh điện dễ tích tụ khi bạn di chuyển. Hãy thử đổi sang giày da, vì da là chất dẫn điện nhẹ, giúp giảm mức độ tích tụ tĩnh điện.

Nếu bạn thường xuyên bị “giật điện” khi chạm vào xe hơi hoặc tay nắm cửa, một mẹo đơn giản là luôn mang theo một vật kim loại nhỏ như đồng xu hoặc chìa khóa. Chạm vật đó vào bề mặt kim loại trước khi bạn chạm tay vào, điện tích sẽ được giải phóng qua vật kim loại thay vì qua cơ thể bạn, giúp tránh cảm giác giật.

Ngoài ra, bạn có thể sử dụng tấm làm mềm vải (dryer sheet) để lau ghế xe hơi hoặc đồ nội thất trong nhà, vì chúng có đặc tính chống tĩnh điện.

 

Bạn có thể giảm sốc tĩnh điện bằng cách đặt lòng bàn tay lên tường hoặc bàn làm việc trước khi đứng dậy hoặc mở cửa. Ảnh: iStock.

Các chuyên gia còn khuyên rằng tiếp xúc thường xuyên với các vật kim loại có thể giúp bạn giảm nguy cơ bị sốc tĩnh điện. Hành động đơn giản như đặt lòng bàn tay lên tường, bàn trước khi đứng dậy hoặc mở cửa sẽ giúp giải phóng phần lớn điện tích tích tụ.

Tuy sốc tĩnh điện gây khó chịu, nó không gây nguy hiểm trực tiếp cho sức khỏe. Điện áp của cú sốc tĩnh điện có thể dao động từ 4.000-35.000 V, nhưng vì không có dòng điện đi qua, nên bạn sẽ không gặp rủi ro nghiêm trọng nào.

Theo Giáo sư Yoshiaki Yamano của Đại học Chiba, Nhật Bản, không cần quá lo lắng về tĩnh điện. Giáo sư nhấn mạnh: “Cần cẩn thận với tĩnh điện trong các trường hợp đặc biệt như khi tiếp xúc với xăng dầu hoặc thiết bị y tế như máy tạo nhịp tim, nhưng trong hầu hết tình huống, tĩnh điện chỉ gây khó chịu chứ không nguy hiểm”.



Theo Tạp chí Gia đình Việt Nam

Bài viết liên quan
- Advertisment -spot_img

Bài viết mới

Recent Comments