Viêm não mô cầu là căn bệnh ngày càng phổ biến không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Tuy nhiên, nhiều người vẫn còn mơ hồ không biết rõ về căn bệnh này và những hậu quả nó mang đến cực kỳ đáng sợ.
Viêm não mô cầu là gì?
Viêm màng não mô cầu là một bệnh truyền nhiễm cấp tính qua đường hô hấp, do vi khuẩn não mô cầu Neisseria meningitidis gây ra. Bệnh xuất hiện tái phát trong năm, tuy nhiên có thể bùng phát thành dịch vào mùa thu, mùa đông và mùa xuân.
Não mô cầu được chia thành 4 nhóm chính là A, B, C, và D. Trong đó, viêm não mô cầu nhóm A thường gặp nhất ở nước ta.
Viêm não mô cầu kèm theo tình trạng nhiễm trùng huyết thì tỉ lệ tử vong rất cao, khoảng 20-30%.
Dấu hiệu của viêm não mô cầu?
– Sốt cao đột ngột 39-40 độ C.
– Đau đầu dữ dội (trẻ quấy khóc rất nhiều).
– Nôn và buồn nôn (trẻ kém ăn, bỏ ăn, bỏ bú, người mệt mỏi, lừ đừ).
– Dấu hiệu cổ cứng đặc trưng cho tình trạng viêm màng não (do bác sĩ khám và xác định). Trẻ dưới 1 tuổi có thể thấy thóp phồng lên bất thường.
Dấu hiệu của nhiễm trùng huyết do não mô cầu
– Sốt cao 39-40 độ C, ớn lạnh, rét run, đau đầu, nôn ói, đau khớp, đau cơ đặc biệt đau nhiều ở sống lưng và hai chân..
– Khoảng 75% trường hợp bệnh nhân có xuất hiện nốt tử ban trong vòng một hai ngày sau sốt (nốt tử ban là nốt có màu đỏ hoặc tím thẫm, kích thước có thể 1-2 mm đến vài cm, có khi hoại tử vùng trung tâm. Nốt tử ban có thể ở khắp người nhưng tập trung chủ yếu ở nách, hông, quanh các khớp như khuỷu, gối, cổ chân. Đôi khi nốt tử ban có dạng bóng nước hoặc lan rộng ra).
Tình trạng nhiễm viêm não mô cầu ở Việt Nam
– Việt Nam có bệnh viêm màng não do não mô cầu nhóm A lưu hành ở nhiều nơi.
– Bệnh thường tản phát lẫn trong hội chứng viêm màng não mủ và đã xảy ra dịch ở nhiều nơi, nghiêm trọng nhất là ở miền núi.
– Một số tỉnh, huyện đã được phân lập trong các vụ dịch: Huyện Bảo Thắng tỉnh Lào Cai; huyện Tuần Giáo tỉnh Lai Châu; huyện Quản Bạ, Mèo Vạc tỉnh Hà Giang; huyện Hiệp Hoà tỉnh Bắc Giang; huyện Mỹ Hào tỉnh Hưng Yên và huyện Thạch Hà tỉnh Hà Tĩnh.
– Theo số liệu của Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, tỷ lệ mắc bệnh từ 1991-2000 ở Việt Nam là 2,3/ 100.000 dân và là bệnh xếp thứ 6 trong 10 bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ tử vong cao nhất (0,03/100.000 dân).
– Ở Việt Nam có thể xảy ra dịch vào mùa thu, đông và xuân, nhất là ở các xã vùng núi biên giới.
Đối tượng dễ mắc bệnh viêm não mô cầu nhất
Bác sĩ Nguyễn Hiền Minh Phó giám đốc Y khoa hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC (Vietnam Vaccine JSC) cho biết: “Tất cả mọi người đều có thể mắc viêm màng não do não mô cầu khuẩn, tuy nhiên trẻ em dưới 5 tuổi và thanh thiếu niên từ 15-24 tuổi là đối tượng có nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn. Việc phơi nhiễm với khói thuốc lá, sống và sinh hoạt trong những điều kiện đông đúc, chật hẹp và tiếp xúc thân mật với nhiều người có thể làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh”.
Các biện pháp phòng tránh viêm não mô cầu
– Tiêm chủng: Tiến hành tiêm chủng cho trẻ từ 9 tháng đến 23 tháng tuổi tiêm 2 liều cách nhau 3 tháng. Trẻ tròn 24 tháng đến người 55 tuổi tiêm 1 liều duy nhất. Có thể tiêm nhắc lại từ 15 – 55 tuổi có nguy cơ mắc bệnh do não mô cầu khuẩn và cách liều tiêm trước ít nhất 4 năm.
– Vệ sinh cá nhân, nơi ở, nơi tập trung đông đúc.
– Tiến hành cách ly với các bệnh nhân đã nhiễm bệnh.
– Khi có biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn và nôn, cổ cứng, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Viêm não mô cầu là căn bệnh nguy hiểm, các chuyên gia cũng cho biết, đối với bệnh do não mô cầu tiêm vaccine là phương pháp phòng bệnh hiệu quả nhất. Vì vậy, cần tiến hành tiêm chủng ngay khi còn nhỏ và nếu có dấu hiệu bệnh cần thăm khám và điều trị kịp thời.