Ngày 28 – 29/11 vừa qua Cục Dân số, Bộ Y tế phối với Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNFPA) tổ chức lớp tập huấn về cách thức truyền thông về lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới.
Tại buổi tập huấn, bà Hoàng Thị Thơm, Phó cục trưởng Cục dân số cho biết, theo dự báo của Tổng cục Thống kê, nếu mức độ mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn cao như hiện nay, Việt Nam sẽ thừa 1,5 triệu nam giới vào năm 2034 và tăng lên 2,5 triệu vào năm 2059.
Hiện tượng mất cân bằng giới tính khi sinh bắt đầu xuất hiện từ năm 2006 với tỷ số giới tính khi sinh đạt 109,8 bé trai/100 bé gái và liên tục gia tăng. Đến nay, tỷ lệ này vẫn duy trì ở mức trên 112, cao hơn mức sinh học tự nhiên (103-106 bé trai/100 bé gái).
Đặc biệt, tại các tỉnh đồng bằng sông Hồng như Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, con số này còn lên đến 120 bé trai/100 bé gái.
Theo bà Hoàng Thị Thơm, tình trạng này phản ánh sâu sắc định kiến giới tồn tại lâu đời trong xã hội. Văn hóa “trọng nam khinh nữ,” cùng quan niệm nam giới là người nối dõi tông đường, đã tạo ra áp lực lớn đối với các gia đình.
Bên cạnh đó, hệ thống an sinh xã hội chưa phát triển đủ mạnh, đặc biệt ở nông thôn, khiến nhiều người già kỳ vọng vào con trai để đảm bảo tài chính và chăm sóc trong tương lai. Những yếu tố này, kết hợp với sự phát triển của công nghệ y học, đã dẫn đến việc lạm dụng các kỹ thuật sàng lọc giới tính thai nhi.
Chuyên gia về Giới và Nhân quyền Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNFPA) Hà Thị Quỳnh Anh cho biết, trong bối cảnh xã hội của một số nước, tâm lý ưa thích con trai rất mạnh mẽ, điều này khiến cho các bậc cha mẹ tìm cách can thiệp vào giới tính của những đứa trẻ được sinh ra với nỗ lực nhằm có ít nhất một đứa con trai. Lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới làm hạn chế số trẻ em gái được sinh ra trong gia đình, tạo điều kiện cho các bậc cha mẹ có một hoặc nhiều con trai hơn mà không vượt quá số con được cho phép sinh ra. Lựa chọn giới tính có thể thực hiện trước hoặc sau sinh dẫn đến tình trạng mất cân bằng.
Mất cân bằng giới tính khi sinh không chỉ tác động đến cá nhân và gia đình, còn để lại những hậu quả sâu sắc cho xã hội. Nếu tình trạng này tiếp tục, sự “thừa nam thiếu nữ” sẽ làm gia tăng áp lực hôn nhân, nạn buôn bán phụ nữ, mại dâm và bạo lực tình dục. Đồng thời, nó làm suy giảm vai trò, vị thế của phụ nữ trong xã hội, đẩy họ vào tình thế dễ bị tổn thương hơn.
Đáng lo ngại hơn, vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh còn làm biến đổi cấu trúc nhân khẩu học, tạo thách thức lớn trong việc bảo đảm lực lượng lao động, phát triển hệ thống an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe.
Để giải quyết tình trạng mất cân bằng tỷ suất giới tính khi sinh, Việt Nam đã tăng cường hoàn thiện và thực thi chính sách pháp luật liên quan đến bình đẳng giới, được cụ thể hóa trong Luật Bình đẳng giới do Quốc hội ban hành; Pháp lệnh Dân số 2003 của Ủy ban thường vụ Quốc hội; Nghị định số 104/2003/NĐ-CP của Chính phủ ban hành quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Dân số; Nghị định 114/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về dân số và trẻ em; Chiến lược Dân số qua các giai đoạn và Chiến lược quốc gia về Bình đẳng giới đều quy định nghiêm cấm các hành vi lựa chọn giới tính khi sinh…
Bác sỹ Mai Trung Sơn, Chuyên viên cao cấp Cục Dân số, Bộ Y tế kiến nghị Việt Nam cần tập trung vào các nhóm giải pháp chính như đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức, ngăn chặn vấn đề lựa chọn giới tính thai nhi, thúc đẩy giá trị của trẻ em gái và bình đẳng giới; thực hiện các điều luật nghiêm cấm sử dụng công nghệ trong xác định giới tính thai nhi và đình chỉ thai nghén.
Bên cạnh đó, thực hiện các chính sách kinh tế-xã hội cải thiện vấn đề bình đẳng giới, ban hành các hệ thống an sinh xã hội chú trọng đến đối tượng là phụ nữ và trẻ em.