Home Làm Cha Mẹ Vợ giữ tiền chồng có phải là bạo lực gia đình?

Vợ giữ tiền chồng có phải là bạo lực gia đình?


Trong nhiều gia đình, các bà vợ thường là người nắm giữ “tay hòm chìa khóa”. Các ông chồng thường chỉ giữ lại một khoản nhỏ để chi tiêu hoặc nhận tiền tiêu theo tuần từ vợ. Nhiều gia đình mặc định rằng cứ đến ngày lấy lương là chồng sẽ có nghĩa vụ chuyển hết tiền cho vợ.

Trong nhiều hoàn cảnh khác nhau của cuộc sống, với sĩ diện của người đàn ông nhiều ông chồng đôi khi không tránh khỏi cảm giác “hụt hẫng” khi tiền chưa nóng ví đã “hết sạch”. Nhiều người không thoải mái vì phải chuyển hết tiền cho vợ trong tâm trạng không thật tự nguyện.

Chưa kể, do thói quen của các bà vợ như trên nên không ít ông chồng mất dần bạn bè hoặc tự tách mình ra trong những cuộc chơi, gặp gỡ, giao lưu để rồi dần dần họ tự cô lập mình lại trong các mối quan hệ, ảnh hưởng đến tâm lý, công việc và cuộc sống.

Ảnh minh họa

Chia sẻ về câu chuyện của mình, anh Nhật – tên nhân vật đã được thay đổi (30 tuổi, ở Quảng Trị) cho biết, mỗi lần bạn bè, đồng nghiệp bàn tán chuyện lương bổng, thu nhập, anh đều chỉ cười trừ. Lâu nay, anh giao luôn thẻ ATM cho vợ. Ngay cả việc nhận thông báo thay đổi số dư trong tài khoản cũng là số điện thoại của vợ. Mỗi tháng, vợ anh chỉ đưa chồng 2 triệu đồng để đổ xăng, uống cà phê, tiêu vặt… Thiếu thì xin thêm.

Theo anh Nhật, hồi mới cưới, vợ chồng anh thường xảy ra cãi vã, mâu thuẫn với nhau cũng chỉ vì chuyện tiền bạc, chi tiêu trong gia đình. Vợ chồng anh đều làm công ăn lương, không dư dả gì mấy, nhất là sau khi có con đầu lòng.

Tuy nhiên, anh Nhật cho rằng, bản thân mình cũng cần phải có những mối quan hệ, không thể đi ra ngoài mà không có tiền, hay thỉnh thoảng đi ăn cùng với anh em đến lúc thanh toán mà không đủ tiền trả thì sẽ rất xấu hổ.

“Phải xin vợ những đồng tiền từ chính mình làm ra thật áp lực, chưa kể mỗi lần xin tiền còn bị vợ tra hỏi làm gì, đi ăn với ai,… khiến tôi rất mệt mỏi”, anh Nhật trải lòng.

Cũng trong hoàn cảnh tương tự, anh Trí (28 tuổi, Hà Nội) bày tỏ: “Biết là vợ giữ tiền cũng chỉ để vun vén cho gia đình, chăm lo con cái thế nhưng việc vợ cầm tiền của chồng không khác gì bạo lực gia đình, làm gì cũng phải phụ thuộc vào vợ. Chưa kể mua gì, tiêu gì cũng phải báo cáo”.

Liên quan đến vấn đề này, Bác sĩ nội trú Vũ Thu Thủy, khoa sức Sức khỏe Tâm thần – Bệnh viện E cho rằng vấn đề ai giữ tiền trong gia đình sẽ có sự thỏa thuận trước đó. Việc vợ giữ tiền của chồng là điều rất bình thường nếu cả hai đã thống nhất. Khi đó, điều này không thể coi là bạo hành.

Tuy nhiên, bất kể ai là người giữ tiền trong gia đình thì đều cần có sự thống nhất tiền sẽ dành cho hoạt động gì.

“Nếu chồng phải lập quỹ đen và tiêu tiền trong quỹ đó, vợ phát hiện và chỉ trích, cần phải xem lại sự tương tác giữa hai vợ chồng có đang thực sự ổn hay không? Vì ở đây không chỉ có chuyện quỹ đen mà còn là niềm tin và sự tôn trọng”, bác sĩ Thủy nói.



Theo Tạp chí Gia đình Việt Nam

Exit mobile version