Thứ năm, Tháng Một 9, 2025
spot_img
HomeTin mớiVới chính mình bạn vẫn là kẻ xa lạ

Với chính mình bạn vẫn là kẻ xa lạ


Sự yếu đuối và nhạy cảm trong nội tâm những người có “nhân cách ốc mượn hồn” sẽ khiến họ coi bất cứ cái cây ngọn cỏ xao động cũng là tín hiệu đối phương sắp phản bội mình và phủ định bản thân mình.

 

Nhân cách ốc mượn hồn thiếu cảm giác an toàn

Những người hay dùng cách chặn liên lạc mang đặc trưng của “nhân cách ốc mượn hồn”. Ốc mượn hồn là loài sinh vật có lớp vỏ ngoài cứng rắn nhưng bên trong yếu mềm, rất hình tượng khi dùng để so sánh với kiểu người như thế này.

Cách xử lý vấn đề của họ rất cứng rắn, ngang ngược, nhưng nội tâm lại yếu đuối, tự tôn thấp, thiếu cảm giác an toàn. Chỉ có cách thông qua kiểm soát người khác để bảo vệ bản thân, họ mới giành được an toàn.

Giống như bạn gái của bạn tôi vậy, mong muốn ban đầu của cô ấy là muốn bạn trai để ý tới mình hơn, cô ấy khát khao giành được tình yêu. Thực ra đây là nhu cầu đúng đắn nhưng cách để thỏa mãn mong muốn của cô ấy lại tiêu cực, thông qua việc thể hiện “quyền lực” của mình để đối phương phục tùng – chỉ cần tôi chặn liên lạc của anh là anh không thể nói chuyện với tôi được nữa, anh chỉ có thể bị động chờ đợi mệnh lệnh của tôi mà thôi.

 

Tại sao trong nội tâm của những người này lại yếu đuối, thiếu cảm giác an toàn?

Một người có lòng tự tôn cao, có cảm giác an toàn sẽ không bao giờ lo lắng quá khi nhu cầu của bản thân không được thỏa mãn, cũng không dễ liên tưởng lòng tự tôn và giá trị của bản thân với cách người khác đối xử với mình. Họ có thể phân biệt được “anh làm chưa đủ tốt” và “anh không yêu tôi”. Họ cũng hiểu rõ trong bất kỳ mối quan hệ nào cũng không có ai có thể thỏa mãn tất cả mọi yêu cầu của bản thân họ, sự hài lòng cuối cùng của con người đến từ chính bản thân họ.

Sự yếu đuối và nhạy cảm trong nội tâm những người có “nhân cách ốc mượn hồn” sẽ khiến họ coi bất cứ cái cây ngọn cỏ xao động cũng là tín hiệu đối phương sắp phản bội mình và phủ định bản thân mình, vì vậy dùng cách chặn liên lạc để thể hiện địa vị và quyền lực của bản thân khiến họ có được cảm giác tự tôn cao hơn. Đồng thời chặn liên lạc cũng có nghĩa là “đối phương không tốt đối phương mắc sai lầm”, đẩy sai lầm cho người khác thì bản thân không phải tự kiểm điểm nữa.

Nhìn họ tưởng chừng ngạo nghễ trên cao và rất vô tình nhưng thực chất bản thân họ cũng rất đau khổ, khi chặn liên lạc của người khác thì bản thân họ cũng đang dùng cách vô hiệu nhất để thể hiện cảm xúc của mình, chặn đứng dòng chảy cảm xúc khiến bản thân bị “nội thương”.

Sự hình thành của “nhân cách ốc mượn hồn”

Rất nhiều người không biết cách bày tỏ cảm xúc hợp lý. Có người giận dữ sẽ đập phá, đá thùng rác, vứt đồ đạc, có người tự tát mình, chặn liên lạc chính là biến hình của những hành vi này, họ dùng cách này để giải tỏa cảm xúc tiêu cực của mình chứ không dùng ngôn ngữ.

Khi trẻ nhỏ chưa hoàn thiện đầy đủ hệ thống ngôn ngữ chúng sẽ dùng cách khóc lóc hoặc hành động chân tay để giải tỏa cảm xúc của mình, bởi vì chúng chưa được học cách giải tỏa cảm xúc chính xác. Dùng ngôn ngữ trao đổi mới là cách giải quyết của người lớn, dùng phương thức có hiệu quả ổn định để khơi thông cảm xúc.

Có người dù cơ thể đang trưởng thành nhưng nội tâm vẫn là một đứa bé chưa chín chắn. Khi trải qua cảm xúc tiêu cực họ vẫn dùng cách của trẻ con để xử lý, dùng mọi cách để thu hút sự chú ý của người khác, để họ nhìn thấy sự đớn đau của mình. Nhưng vỏ ngoài của “ốc mượn hồn” quá rắn chắc, sự rắn chắc của họ lại gây ra một kiểu tổn thương khác. Trong giao tiếp giữa người với người sẽ xây dựng một phản xạ có điều kiện, bạn đối xử dịu dàng với người khác thì người khác mới đối xử dịu dàng với bạn, còn cứng rắn cũng chỉ đổi lại cứng rắn mà thôi.

Khi một bên muốn trao đổi nhưng một bên lại chẳng nói gì, sự im lặng này rất dễ khiến bên muốn trao đổi phẫn nộ hơn, họ cảm thấy mình không được tôn trọng, bên im lặng lại cho rằng đây mới là cách đối đáp hoàn hảo nhất, dù sao cũng tránh cho cuộc cãi vã càng lúc càng căng.

Chặn liên lạc và im lặng có động cơ tâm lý như nhau, đều dùng cách né tránh để xử lý vấn đề, đều đang muốn trốn tránh hiện thực. Mặc dù trốn tránh quả thực tránh cho cuộc cãi vã bớt căng thẳng hơn nhưng họ lại quên rằng cãi vã mới chạm tới cốt lõi của mâu thuẫn, mới có thể khiến họ đối diện với bản chất của vấn đề.

Dưới vỏ bọc giả tạo vấn đề không thể giải quyết, mối quan hệ cũng không được hòa hoãn. Bạn sẽ phát hiện ra, chặn liên lạc liên tục cũng vậy mà tiếp tục im lặng cũng thế, những cách né tránh tương tự như vậy nếu dùng càng nhiều thì thời gian kéo dài của mối quan hệ sẽ càng ngắn.

Bản thân tôi cũng từng có lúc cảm xúc gần như sụp đổ, chặn hết liên lạc của đối phương, bạn chú ý tới từ “cảm xúc” chưa? Không phải do đối phương gây ra chuyện gì quá tồi tệ, mà do cảm xúc của tôi tồi tệ, là cảm xúc đang xui khiến tôi muốn tránh né vấn đề, kiểm soát đối phương.

Việc chúng ta cần giải quyết không phải là vấn đề phía đối phương mà chính là cảm xúc của mình. Hoặc là giải tỏa cảm xúc trong khi trao đổi, hoặc là tạm thời bình tĩnh suy xét lại, chặn liên lạc chính là cách dồn bản thân và đối phương vào bước đường cùng, ngoài việc khiến bạn và đối phương loay hoay tại chỗ ra, nó chẳng có ích lợi gì khác. Còn nếu chặn liên lạc đối phương quá nhiều lần thì cũng có ngày bị cắn ngược – có khi đối phương đã đi trước một bước, chặn đứng bạn trong tim họ rồi.

Tác giả: Đại Tướng Quân Quách/Bách Việt Books – NXB Phụ Nữ Việt Nam



Theo Tạp chí Gia Đình Việt Nam

Bài viết liên quan
- Advertisment -spot_img

Bài viết mới

Recent Comments