Thứ hai, Tháng mười một 25, 2024
spot_img
HomeLàm Cha MẹVụ trẻ tử vong do bị bỏ quên trong ô tô: Vì...

Vụ trẻ tử vong do bị bỏ quên trong ô tô: Vì sao đừng bao giờ để trẻ một mình trên xe dù chỉ vài phút?


Trẻ tử vong khi bị bỏ quên trên xe ô tô do thiếu oxy

Sự việc một bé trai 5 tuổi ở tỉnh Thái Bình bị bỏ quên trên xe ô tô đưa đón tới trường hôm 29/5 khiến nhiều người đau lòng, thương xót. Đây không phải lần đầu sự việc này xảy ra tại nước ta cũng như trên thế giới. Vậy nguyên nhân nào khiến sức khỏe của trẻ rơi vào nguy kịch khi bị bỏ quên trên ô tô?

Nhiều người đập cửa giải cứu bé trai bị bỏ quên trên ô tô ở Thái Bình.

Chia sẻ với báo Tuổi trẻ, TS.BS Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm Thần Kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM), cho biết, vào năm 2019 một bé lớp 1 cũng đã tử vong khi bị bỏ quên trên xe ô tô. Lúc đó, nhiều người cho rằng do bé đói hay khát là không đúng.

Theo bác sĩ Khanh, trẻ tử vong khi bị bỏ quên trên ô tô là do thiếu oxy vì lúc đó máy xe đã được tắt, các cửa xe đã đóng kín thì lượng oxy có trên xe sẽ nhanh cạn kiệt.

Khi ở trong ô tô đã tắt máy, trẻ hít vào khí CO kết hợp với Hemoglobin trong hồng cầu làm biến đổi cấu trúc Hemoglobin, khiến hồng cầu không thể vận chuyển oxy tới các tế bào cơ thể. Từ đó, tế bào thiếu hụt oxy, trẻ sẽ hôn mê rồi tử vong. Nếu sống thì di chứng về não là rất lớn khi não không có oxy trong thời gian dài.

So với người lớn, trẻ em có nguy cơ cao hơn bởi trẻ có sức khỏe yếu, có thể tử vong do sốc nhiệt kể cả khi xe đỗ trong bóng râm. Khí CO không mùi, không vị, không gây đau đớn, do đó cơ thể người bị ngạt không được “cảnh báo” để thoát nạn. Người bị ngạt khí trong xe ô tô sẽ thấy: Đau ngực, hồi hộp, môi và đầu ngón tay, chân bị tím, rối loạn nhịp tim, tụt huyết áp, mất định hướng, co giật, tiểu – đại tiện không tự chủ…, thậm chí dẫn tới hôn mê và tử vong. 

Trẻ sẽ ngừng hoạt động khi nhiệt độ cơ thể đạt tới 41,6 độ C

Theo thông tin dự báo thời tiết, những ngày qua, tỉnh Thái Bình đón những đợt nắng nóng gay gắt. Khi xe ô tô đóng cửa, tắt máy dưới trời nắng, nhiệt độ trong xe sẽ tăng lên rất nhanh, khoảng gấp rưỡi nhiệt độ bên ngoài trong vòng 1 giờ, với mức tăng thêm 3-6 độ sau mỗi 10 phút.

Khi ngồi trong một chiếc xe ô tô quá nóng giữa thời tiết nắng nóng chỉ cần 20 phút, trẻ có nguy cơ bị sốc nhiệt sẽ tác động đến toàn bộ cơ quan trong cơ thể như hạ huyết áp, nhịp tim nhanh, suy thận, suy gan, tổn thương não, hôn mê…

Nếu nhiệt độ trong cơ thể trẻ đạt tới hơn 40 độ C, các cơ quan của trẻ sẽ ngừng hoạt động và khi nhiệt độ cơ thể đạt tới 41,6 độ C thì nguy cơ cao tử vong. Nếu được điều trị sớm, bù dịch đầy đủ, điều trị tích cực các biến chứng, tỉ lệ sống đạt trên 90%. Tuy nhiên khi nhiệt độ cơ thể trẻ vượt trên 42 độ C thì rất khó cứu.

Trẻ bị bỏ quên trên ô tô có thể gặp nguy hiểm. Ảnh minh họa.

Cục Quản lý An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ cũng từng chỉ ra, nhiệt độ bên trong một chiếc xe đang đỗ có thể nóng hơn 30 độ C so với bên ngoài xe. Điều đó có nghĩa là vào một ngày 30 độ C, nhiệt độ bên trong xe có thể đạt tới hơn 60 độ C.

Một nghiên cứu tại Mỹ cũng cho thấy, cơ thể trẻ em nóng lên nhanh gấp 3-5 lần so với người lớn. Khi bị bỏ lại trong một chiếc xe hơi nóng, các cơ quan trong cơ thể của một đứa trẻ bắt đầu ngừng hoạt động khi nhiệt độ đạt tới 40 độ C. Một đứa trẻ có thể tử vong khi nhiệt độ cơ thể đạt ngưỡng trên 41,6 độ C.

Bác sĩ Khanh khuyến cáo, người lớn không bao giờ được để trẻ một mình ở trên xe dù loại nào và có khởi động hay không bởi đều có thể khiến trẻ gặp nhiều vấn đề nguy hiểm như tâm lý hoảng sợ, thiếu ôxy gây tử vong…

Bác sĩ Khanh khuyên các bậc cha mẹ cũng nên trang bị cho trẻ những kỹ năng nếu trẻ lỡ bị bỏ lại một mình trong ô tô đã bị đóng kín cửa. Khi ấy, trẻ cần tìm cách liên lạc với bên ngoài như gọi điện thoại nếu trẻ có điện thoại. Nếu không có điện thoại trẻ cần đập cửa xe. Nếu đập cửa xe vẫn không có người đến thì trẻ cần tìm chiếc búa trên xe để đập vỡ cửa kính xe.  

Dù vậy, để trẻ em, nhất là trẻ nhỏ có thể thực hiện những việc trên là quá khó, nhất là khi đã bị ngạt CO, trẻ sẽ mau yếu mệt, bất tỉnh… Trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ sự an toàn cho trẻ nhỏ luôn thuộc về người lớn.



Theo Tạp chí Gia đình Việt Nam

Bài viết liên quan

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

- Advertisment -spot_img

Bài viết mới

Recent Comments